Chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Công 2021-2030 hướng đến xây dựng nền kinh tế thịnh vượng và

     Sau khi Chiến lược phát triển lưu vực giai đoạn 2016-2020 được tổng kết, Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã phê chuẩn Chiến lược phát triển lưu vực giai đoạn 2021-2030 (BDS 2021-2030) tại Phiên họp lần thứ 27 Hội đồng được tổ chức vào cuối tháng 11 năm 2020 theo hình thức trực tuyến.
     Sau các giai đoạn 5 năm trước đây, Chiến lược phát triển lưu vực lần đầu tiên được xây dựng cho một giai đoạn dài hơn, tới 10 năm nhằm xác định các ưu tiên cho quản lý và phát triển lưu vực cho giai đoạn 10 năm, góp phần định hướng cho Kế hoạch chiến lược 5 năm tới của Ủy hội và Kế hoạch triển khai thực hiện của các quốc gia thành viên cho hai giai đoạn: 2021-2025 và 2026-2030, với các định hướng ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: môi trường, xã hội, kinh tế, biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác. Đặc biệt, Chiến lược cũng đã tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững có liên quan đến quản lý tài nguyên nước lưu vực.
 

song-me-cong-1.jpg

     So với các Chiến lược trước đây, BDS 2021-2030 đã được cập nhật và mở rộng các cơ hội phát triển bền vững với các cơ hội đầu tư môi trường và xã hội như phát triển thủy điện để thúc đẩy an ninh năng lượng và thương mại xuyên biên giới, góp phần quản lý lũ lụt, hạn hán và nền kinh tế carbon thấp; phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu để cải thiện hiệu quả, tăng khả năng chống chịu hạn hán và cải thiện nhu cầu an ninh lương thực và nước sinh hoạt gia đình; phát triển giao thông thủy hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường. Đồng thời, áp dụng khái niệm các giá trị môi trường ưu tiên trong khu vực để cải tạo diện tích thảm phủ trong các tiểu lưu vực và khu bảo tồn, phục hồi và tận dụng các vùng đất ngập nước và môi trường sống ven sông; giảm thiểu lũ lụt và hạn hán; thúc đẩy sinh kế bền vững;…
     Mặt khác, BDS 2021-2030 cũng thúc đẩy sự phát triển của các dự án đầu tư chung giữa hai hoặc nhiều quốc gia và các dự án quốc gia quan trọng tạo ra lợi ích trong nước cũng như tạo các cơ hội ở những khu vực khác trong lưu vực, bao gồm các dự án thủy điện (đa mục đích) có hồ chứa, vùng bảo tồn xuyên quốc gia, các dự án quản lý và phục hồi lưu vực, bảo tồn các vùng đất ngập nước và môi trường sông, các dự án quản lý nước lũ lụt, chỉnh trị sông và an toàn giao thông đường thủy, và các dự án dựa trên công nghệ mới (như pin năng lượng mặt trời trên hồ chứa thủy điện).
BDS 2021-2030 cũng đã đưa ra các hành động ưu tiên nhằm thực hiện chiến lược lưu vực sông Mê Công và đóng góp vào Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), cụ thể: (1) về môi trường, duy trì chức năng sinh thái của lưu vực sông Mê Công; (2) về xã hội, cho phép tiếp cận và sử dụng nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực; (3) về kinh tế, tăng cường phát triển tối ưu và bền vững trong lĩnh vực nước và các lĩnh vực liên quan; (4) về biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng phục hồi trước các rủi ro khí hậu, lũ lụt và hạn hán khắc nghiệt; (5) về hợp tác, tăng cường hợp tác giữa tất cả các nước trong lưu vực và các bên liên quan.
     “Hệ thống giám sát và đánh giá của MRC sẽ giám sát việc thực hiện Kế hoạch chiến lược thông qua các yếu tố đầu vào, các hoạt động, sản phẩm chính, tình trạng tài chính và các chỉ số đầu ra của từng kết quả dự kiến của BDS của MRC. Báo cáo giữa năm và hàng năm của MRC thể hiện kết quả giám sát này cũng được gửi cho các bên liên quan. Các đánh giá giữa kỳ và cuối cùng độc lập được lên kế hoạch để thực hiện toàn bộ Kế hoạch chiến lược này” - Đại diện Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết.

Nguồn tin: VNMC

 
(Nguồn: http://dwrm.gov.vn/)

Bài viết liên quan