Quản lý tài nguyên nước, hạn chế ô nhiễm tại Vịnh Bắc Bộ
Ngày 18/12, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức cuộc họp thẩm định Dự án “Tăng cường quản lý và tuân thủ thể chế tài nguyên nước nhằm giải quyết tình trạng suy giảm oxy hòa tan trong nước do chất dinh dưỡng và các chất ô nhiễm khác gây ra ở Vịnh Bắc Bộ”. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Theo ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, những năm gần đây, khu vực Đồng bằng sông Hồng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan tới tài nguyên nước, trong đó tình hình ô nhiễm nước ven biển nghiêm trọng cả về mức độ, quy mô do gia tăng lượng xả thải không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước.
Hơn nữa, việc khai thác, sử dụng nước quá mức trong khi nguồn nước suy giảm dẫn đến căng thẳng nguồn nước trong mùa cạn và xâm nhập mặn gia tăng ở vùng ven biển. Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ khiến mực nước biển dâng cao, dẫn tới ngập lụt vùng ven biển, làm đảo lộn cân bằng tự nhiên và sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, môi trường nước.
Bên cạnh đó, hàng trăm héc-ta rừng ngập mặn có thể bị mất, các hệ sinh thái đất ngập nước ven bờ, vùng ven biển bị tác động sâu sắc…
Bên cạnh đó, hàng trăm ha rừng ngập mặn có thể bị mất, các hệ sinh thái đất ngập nước ven bờ, vùng ven biển bị tác động sâu sắc. Các hệ sinh thái thuỷ sinh và đa dạng sinh học vùng biển cũng thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Trước những vấn đề trên, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai xây dựng Dự án “Tăng cường quản lý và tuân thủ thể chế tài nguyên nước nhằm giải quyết tình trạng suy giảm oxy hòa tan trong nước do chất dinh dưỡng và các chất ô nhiễm khác gây ra ở Vịnh Bắc Bộ”. Đây là dự án được xây dựng phù hợp với ưu tiên về bảo đảm an ninh tài nguyên nước của Việt Nam, đồng thời phù hợp với tiêu chí và ưu tiên của Quỹ Môi trường toàn cầu.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Song Hà – Trợ lý đại diện FAO về chương trình, Văn phòng FAO Việt Nam cho biết thêm, mục tiêu chính của dự án là nhằm giải quyết tình trạng thiếu oxy do phú dưỡng gây ra ở Vịnh Bắc Bộ thông qua việc giảm ô nhiễm giàu chất dinh dưỡng trên đất liền từ các nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng, Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Song Hà, cuộc họp tham vấn này sẽ giúp nhóm xây dựng văn kiện dự án tiếp nhận ý kiến các chuyên gia và các Bộ ban ngành có liên quan, cũng như đi đến thống nhất về các nội dung liên quan đến dự thảo văn kiện dự án, để đảm bảo dự án đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như tính thực tiễn khi đi vào giai đoạn triển khai tại Việt Nam. Sau đó văn kiện dự án sẽ được nộp cho Tổ chức FAO thẩm định vào cuối tháng này và đệ trình cho Quỹ GEF vào tháng 2 năm sau. Dự kiến, Văn kiện dự án sẽ được Quỹ thông qua trong quý 3 năm 2025 và triển khai trong vòng 4 năm từ năm 2026.
Báo cáo về tiến độ thực hiện dự án, bà Nguyễn Thúy Anh, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, từ tháng 4/2024 đến nay, Nhóm tư vấn quốc gia đã tiến hành các cuộc tham vấn với các chuyên gia Việt Nam và quốc tế, các bên liên quan ở cấp quốc gia và địa phương, bao gồm cộng đồng người dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố với mục tiêu, nhằm thu thập các thông tin, dữ liệu hỗ trợ quá trình xây dựng văn kiện dự án và quá trình triển khai dự án ở giai đoạn sau.