Phối hợp toàn diện, quản lý hiệu quả tài nguyên nước
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân tại cuộc họp với các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài nguyên nước năm 2024 diễn ra chiều ngày 21/8, tại Hà Nội.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Vụ: Tổ chức cán bộ, Hợp tác quốc tế, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Cục Quản lý tài nguyên nước quốc gia, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Văn phòng Thường trực Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, 7 tháng đầu năm 2024, các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước đã hoàn thành khối lượng công việc lớn theo Chương trình công tác, trọng tâm là trình ban hành 02 Nghị định và 03 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên nước năm 2023.
Về công tác điều tra cơ bản, các đơn vị đã tận dụng các nguồn lực ưu tiên thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước để có số liệu phục vụ xây dựng Văn bản pháp luật, Quy hoạch, kế hoạch, báo cáo tài nguyên nước quốc gia và các công tác quản lý ở trung ương địa phương như: danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, công bố được tổng tài nguyên trên toàn quốc, lưu vực sông, từng tỉnh, lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 trên toàn quốc, quan trắc tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, giám sát khai thác sử dụng trực tuyến khoảng 850 công trình khai thác sử dụng nước, tìm kiếm nước cho vùng núi cao, khan hiếm nước, tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, đánh giá sụt lún mặt đất TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long và các kết quả khác…
Về công tác quy hoạch tài nguyên nước, đến nay, ở cấp Trung ương đã có quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; 08/13 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh: Bằng Giang – Kỳ Cùng, Hồng – Thái Bình, Sê san, Srepok, Cửu Long,Đồng Nai, Hương, Mã. Hiện nay, các đơn vị đang xây dựng và hoàn thiện 05 quy hoạch lưu vực sông Ba, Cả, Trà Khúc, Vu Gia – Thu Bồn, Côn – Hà Thanh.
Bên cạnh việc hoàn thiện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước cũng tích cực đôn đốc, hướng dẫn thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; kiểm kê tài nguyên nước; lập hành lang bảo vệ nguồn nước; ao hồ không san lấp; hạn chế khai thác nước dưới đất; quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vận hành điều tiết các hồ chứa, liên hồ chứa đảm bảo cấp nước hạ du….
Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quản lý, phục vụ quản lý cũng được các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Về nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024, theo ông Châu Trần Vĩnh, các đơn vị tiếp tục tập trung nguồn lực để triển khai Luật Tài nguyên nước 2023 trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, tuyên truyền phổ biến, cở sơ dữ liệu tài nguyên nước, công cụ hỗ trợ ra quyết định điều hoà, phân phối tài nguyên nước.
Trong đó, các đơn vị tập trung xây dựng, trình ban hành 01 Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; 05 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trình ban hành 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông: Cả, Ba, Trà Khúc, Vu Gia – Thu Bồn, Kôn – Hà Thanh để hoàn thiện hệ thống quy hoạch và đôn đốc việc thực hiện quy hoạch.
Cùng với đó, các đơn vị thực hiện xây dựng dự thảo kịch bản nguồn nước để đầu năm 2025 trình Bộ công bố 8/13 lưu vực sông đã có quy hoạch (Bằng Giang Kỳ Cùng, Hồng- Thái Bình, Mã, Hương, Sê San, Srepok, Đồng Nai, Cửu Long) để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước; Xây dựng Đề án, lấy ý kiến và Trình Thủ tướng Chính phủ thành lập 04 tổ chức lưu vực sông (Hồng- Thái Bình, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ) và kiện toàn Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.
Tổ chức triển khai 03 Đề án, Dự án quan trọng: Đề án “Đánh giá tổng thể tác động và giải pháp ứng phó đối với việc các nước phát triển thủy điện trên dòng chính, chuyển nước sông Mê Công”; Đề án “Điều tra, đánh giá và đề xuất phương án thí điểm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm các sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ – Đáy, Ngũ Huyện Khê” và Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, các dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước.
Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong giám sát việc vận hành các hồ theo 11 quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông; Duy trì vận hành hệ thống giám sát trực tuyến khai thác sử dung nước đối với khoảng 850 công trình đã được Bộ cấp phép; Chủ trì và phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; Tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra đối với các công trình khai thác sử dụng nước.
Tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia ven sông Mê Công trong trao đổi, chia sẻ thông tin về quy hoạch, chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Công và chia sẻ thông tin về xây dựng và vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước; Tổ chức thực hiện Chương trình công tác của Ủy hội sông Mê Công quốc tế năm 2024, tập trung vào thực hiện hiệu quả các quy chế, thủ tục sử dụng nước; theo dõi, giám sát các hoạt động phát triển trên lưu vực; nâng cấp mạng quan trắc, giám sát; tăng cường triển khai các dự án chung, nghiên cứu chung giữa các quốc gia thành viên và với Trung Quốc và Mi-an-ma; thực hiện hiệu quả các Tuyên bố chung về các biện pháp giảm thiểu tác động của các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công.
Cùng với đó, các đơn vị phối hợp chuẩn bị nội dung cho các Phiên họp Ủy ban Liên hợp, Phiên họp của Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 31 (tháng 11/2024 tại Lào); Tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương giai đoạn 2023 – 2027; Tiếp tục theo dõi sát tình hình xây dựng các công trình thuỷ điện dòng chính; theo dõi việc triển khai Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia và các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia trên lưu vực sông Mê Công, kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Đảng và Nhà nước các giải pháp.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng của Bộ đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, phân tích, đưa ra nhiều giải pháp để các đơn vị thuộc lĩnh vực tài nguyên nước thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong lĩnh vực tài nguyên nước thời gian qua. Thứ trưởng đánh giá cao những kết quả trong công tác tham mưu và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới về tài nguyên nước. Các đơn vị tài nguyên nước đã phối hợp tổ chức tốt các công việc một cách bài bản, khoa học, chặt chẽ, có hiệu quả. Đặc biệt, kể từ khi Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội thông qua đã mở ra một "cách mạng mới" trong công tác quản lý tài nguyên nước.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước ngoại sinh. Chính vì vậy, thời gian tới, vấn đề an ninh nguồn nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Nhận thức đây là nhiệm vụ quan trọng, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước của Bộ cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ chung của đơn vị.
Trước mắt, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tập trung đẩy mạnh hoàn thiện việc xây dựng và trình ban hành 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông: Cả, Ba, Trà Khúc, Vu Gia – Thu Bồn, Kôn – Hà Thanh; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên nước gia để nâng cao công tác quản lý trên cơ sở quản trị thông minh tài nguyên nước; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với các công trình khai thác sử dụng nước; tiếp tục chủ trì và phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành;..
Cơ bản nhất trí với các đề xuất của các đơn vị tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị, thời gian tới, các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ để đưa công tác quản lý tài nguyên nước ngày càng phát triển đồng bộ và hiệu quả.