Báo cáo phát triển nước thế giới 2021 của Liên Hợp Quốc: "Định giá giá trị của nước"
Hiện trạng tài nguyên nước hiện nay cho thấy sự cần thiết phải cải thiện quản lý tài nguyên nước. Việc ghi nhận, đánh giá, đo lường và thể hiện các giá trị của nước trong quá trình đưa ra quyết định là điều cơ bản để đạt được quản lý tài nguyên nước bền vững và công bằng đồng thời hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) trong Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Khi những nhà hoạch đinh, những người ra quyết định, những người sử dụng đánh giá và coi trọng giá trị của nước thì họ sẽ biết được cách để kiểm soát, quản lý và sử dụng nước hiệu quả nhất. Do vậy, cần phải đánh giá nước một cách đầy đủ ở tất cả các mục đích sử dụng khác nhau, trên mọi khía cạnh, nếu thiếu điều này có thể coi là nguyên nhân gốc rễ của việc quản lý không hiệu quả.
Sự khác biệt trong cách đánh giá nước không chỉ xảy ra giữa các nhóm liên quan mà còn xảy ra ngay trong mỗi đối tượng sử dụng nước. Chẳng hạn, việc cố gắng so sánh một cách định lượng giá trị của nước cho mục đích sinh hoạt, quyền của con người đối với nước, tín ngưỡng phong tục hoặc tôn giáo, hay tầm quan trọng cũng như cái giá trị có được của việc duy trì dòng chảy để bảo tồn đa dạng sinh học là những cách đánh giá không hề dễ dàng.
Hơn nữa việc cân nhắc những đánh đổi, hy sinh lợi ích khi thực hiện các phương pháp đánh giá giá trị của nước cũng cần phải có sự nhất quán. Thông thường, không có mối quan hệ rõ ràng giữa giá cả và giá trị của nước. Khi nước được định giá, nghĩa là người tiêu dùng phải trả phí khi sử dụng, giá thường phản ánh nỗ lực thu hồi chi phí chứ không phải giá trị mà nó mang lại. Hơn nữa, liên quan đến định giá, vẫn cần phải có những kiến thức kinh tế học trong ứng dụng đánh giá giá trị của nước để có được việc thực hiện toàn diện hơn.
Các giá trị khác nhau của nước cần phải được điều hòa và có sự hy sinh, đánh đổi giữa những giá trị với nhau để tìm ra phương án giải quyết, đưa vào các quá trình ra quyết định, quản lý và lập kế hoạch một cách có hệ thống và toàn diện. Do đó, cần phát triển hơn nữa các phương pháp tiếp cận khải thi để xác định giá các giá trị của nước, nhưng cũng ưu tiên các phương pháp tiếp cận cải tiến để so sánh, đối chiếu và hợp nhất các giá trị khác nhau, đồng thời kết hợp hợp lý phục vụ công tác quản lý, quy hoạch.
Ấn bản phẩm “Báo cáo Phát triển Nước Thế giới” năm 2021 của Liên Hợp Quốc (UN WWDR 2021) có tựa đề “Định giá giá trị của Nước” đã tổng hợp và nhóm các phương pháp cũng như cách tiếp cận hiện tại để định giá nước thành năm quan điểm có liên quan với nhau: (i) Định giá nguồn nước, đánh giá giá trị của tài nguyên nước tại chỗ với hệ sinh thái; (ii) Định giá cơ sở hạ tầng cấp nước để lưu trữ, sử dụng, tái sử dụng hoặc cung cấp nước; (iii) Định giá các dịch vụ về nước, chủ yếu là nước uống, vệ sinh môi trường và các khía cạnh liên quan đến sức khỏe con người; (iv) Coi nước như một nguồn đầu vào cho sản xuất và hoạt động kinh tế xã hội, chẳng hạn như lương thực và nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp, kinh doanh và việc làm; (v) Và các giá trị văn hóa xã hội khác của nước, bao gồm các giá trị mang tính giải trí, văn hóa và tinh thần, tâm linh. Những điều này đã được thu thập, tổng hợp kinh nghiệm của khắp các châu lục, khu vực trên toàn cầu; dung hòa nhiều giá trị của nước thông qua các cách tiếp cận, quản lý tổng hợp tài nguyên nước; các phương pháp tiếp cận đầu tư, tài chính; và các phương pháp để giải quyết các nhu cầu về kiến thức, nghiên cứu và nhân lực.
Tác giả bài viết: Lê Oanh (DWRM dịch)
Nguồn tin: unwater.org
Theo dòng sự kiện