An ninh nguồn nước và xử lý chất thải – nỗi lo ngày càng lớn
Trước thực trạng nguồn nước bị sụt giảm về số lượng nhưng lại gia tăng về nước thải, chất thải trong sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất, rất cần những định hướng cũng như giải pháp công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển xanh và bền vững.
“Triển lãm về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải tại Việt Nam (Vietwater 2024) cùng Triển lãm về xử lý chất thải và công nghệ môi trường tại Việt Nam (WETV 2024) sẽ diễn ra từ ngày 6-8/11/2024, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM. Sự kiện là nơi trưng bày các công nghệ và giải pháp tiên tiến nhất trong lĩnh vực cấp thoát nước, công nghệ lọc, xử lí nước thải, xử lý chất thải và môi trường”.
Thông tin được bà Vũ Thị Dung, Quản lý dự án cấp cao, Công ty Informa Markets tại Việt Nam – đơn vị tổ chức triển lãm cho biết tại họp báo trước sự kiện ngày 25/9 tại Hà Nội. Theo đó, triển lãm Vietwater 2024 kết hợp cùng WETV 2024 hứa hẹn thu hút trên 450 đơn vị trưng bày đến từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, dự kiến kết nối hơn 10.000 DN và khách thăm quan, góp phần thúc đẩy hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu và chuyển giao công nghệ, nhằm giảm thiểu nước thải, chất thải trong sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất hướng đến phát triển xanh và bền vững.
Vietwater 2024 và WETV 2024 lần này được sự hỗ trợ, đồng hành của các hiệp hội, cơ quan, tổ chức quốc tế như Hiệp hội nước trong khu vực Đông Nam Á, Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á, Viện Môi trường Đô thị & Công nghiệp Việt Nam – Hiệp hội Môi trường Đô thị & Khu công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM cùng nhiều tổ chức trong và ngoài nước khác.
Đặc biệt, với hơn 10 nhóm gian hàng quốc tế đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy sỹ, Trung Quốc, Việt Nam và Italy trưng bày trên tổng diện tích 10.000 m2, các DN sẽ trưng bày sản phẩm thuộc hạng mục về công nghệ cấp nước; tưới tiêu và thoát nước; xử lý, quản lý nước thải; xử lý bùn; khử muối, khử nước; bơm, van; màng lọc; ống, phụ tùng nước; kiểm tra, đo lường; cùng nhiều công nghệ nước xanh và bền vững khác.
Bên cạnh đó, 2 triển lãm cũng sẽ mang đến nhiều nhà trưng bày về công nghệ, thiết bị thu gom, vận chuyển phế thải, phân loại, tái chế, quản lý và xử lý chất thải; các công nghệ giám sát, đo lường môi trường hay công nghệ tạo năng lượng từ vật liệu phế thải, cùng nhiều hạng mục sản phẩm liên quan đến nước, chất thải khác.
Tiếp nối sự thành công của những phiên bản trước, Vietwater 2024 tiếp tục mang đến chuỗi chương trình hội thảo quốc tế với những chủ đề thiết thực về ngành xử lý nước, như xử lý, quản lý nguồn nước thông minh; giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu lên nguồn cung cấp nước và nông nghiệp; công nghệ quản lý cấp thoát nước đô thị và sinh hoạt tại nông thôn…
Thiếu nước đầu nguồn đe dọa sản xuất và sinh hoạt
Giải đáp câu hỏi của báo chí về thực trạng, thách thức và định hướng giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước tại Việt Nam, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á cho biết, nguồn nước của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm về trữ lượng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thay đổi chế độ dòng chảy. Bên cạnh đó, nguồn nước còn bị chi phối do có sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ; thoái hóa rừng làm giảm khả năng giữ và điều hòa nguồn nước…
Đáng chú ý, biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan tạo ra những biến đổi khó lường gây ra tình trạng hạn hán kéo dài ở một số tỉnh, như Ninh Thuận, Bình Thuận. Nước biển dâng, thiếu nước đầu nguồn làm gia tăng tình trạng xâm ngập mặn ở nhiều tỉnh, nhất là Tây Nam Bộ gây thiệt hại lớn đến sản xuất, nhiều vùng nước ngọt sinh hoạt thiếu nghiêm trọng.
“Nông dân và nhiều DN phải tạm ngừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Hàng trăm nghìn ha lúa, cây ăn quả bị thiệt hại nặng nề. Tại Việt Nam, mỗi năm có đến 9.000 trường hợp tử vong, 200.000 người mắc bệnh ung thư, với nguyên nhân chính có liên quan đến việc sử dụng nước không an toàn. Trong khi trữ lượng nước ngầm của nước ta đang sụt giảm ở nhiều nơi do nạn khai thác quá mức, diện tích thảm rừng sinh thủy tự nhiên chưa được phục hồi như trước đây”, ông Trung cho biết.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị & công nghiệp Việt Nam, mặc dù chính quyền địa phương và các DN môi trường đô thị trong những năm qua đã có nhiều hoạt động và giải pháp tích cực trong quản lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đô thị. Tuy nhiên công tác quản lý CTR sinh hoạt tại các đô thị và khu vực nông thôn Việt Nam vẫn vòn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.
Đặc biệt, công tác phân loại rác, tính phí thu gom rác theo khối lượng đã được một số đô thị triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả. Công nghệ xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt cũng tiến triển chậm do thiếu cơ chế chính sách quản lý hỗ trợ đầu tư, vận hành, thiếu công nghệ thích hợp với điều kiện từng địa phương.