Việt Nam cần gần 9 tỷ USD đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước sạch

monre.gov.vn
02-04-2024
Chia sẻ In bài viết

     “Đứng trước những thách thức về biến đổi khí hậu, đến năm 2030 nhu cầu nước ở Việt Nam tăng 32% so với hiện nay, vì vậy Việt Nam cần đầu tư khoảng 9 tỷ USD cho hạ tầng cấp thoát nước, bao gồm việc cung cấp đủ nước sạch cho người dân và thoát nước, xử lý nước thải.” – Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào khủng hoảng khí hậu và nguồn nước vừa được tổ chức ngày 28/3.
     Ngập lụt tại Hà Nội và TP.HCM là vấn đề cấp bách
    Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước dồi dào nước nhưng đang đối mặt với những thách thức, tình trạng xâm nhập mặn, lũ lụt, khô hạn. Tình trạng sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp cũng đặt ra thách thức; hàng nghìn con đập thủy lợi, thủy điện vốn bảo đảm an ninh nguồn nước cũng đặt ra thách thức đó là sự xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
    Cùng với đó, ô nhiễm nguốn nước là vấn đề lớn đối với với quốc gia, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, làm giảm sự phát triển kinh tế xã hội. Phần lớn nước thải của Việt Nam chưa được xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường, rất ít hộ gia đình có hệ thống xử lý nước thải.

1nuoc28324.jpg
Quang cảnh Hội thảo

    Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, hiện nay Việt Nam có 750 nhà máy xử lý nước sạch với tổng công suất hơn 1 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được dùng nước sạch hơn 92%.
    Về nước thải, cả nước có gần 410 khu công nghiệp đang sử dụng và xử lý nước thải với công suất 400.000 m3/ngày đêm. Có 71 doanh nghiệp thoát nước, xử lý nước thải chủ yếu là thoát nước dùng chung với 82 nhà máy xử lý nước thải với công suất thiết kế 1 triệu m3/ngày đêm, hiện sử dụng khoảng 700.000 m3/ngày đêm.
    Hiện nay, khoảng 80 dự án xử lý nước thải với công suất hơn 2 triệu m3/ngày đêm cũng đang được triển khai. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom nước thải mới đạt 60%, tỷ lệ xử lý chỉ được 17%.
    Cùng với đó, vấn đề ngập lụt đô thị, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM đã trở thành vấn đề lớn, cấp bách hằng ngày mà thiếu có giải pháp căn cơ, lâu dài.
    Tìm giải pháp lâu dài cho tài nguyên nước ở Việt Nam
    Ông Nguyễn Ngọc Điệp cũng cho rằng, hiện nay, việc đầu tư hạ tầng cấp thoát nước chưa đạt yêu cầu. Để 100% người dân được sử dụng nước sạch Việt Nam sẽ phải đầu tư lớn, số tiền này khoảng 9 tỷ USD đến 2030. Đây là con số rất thách thức trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
    Cùng quan điểm trên, GS. Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, con số gần 9 tỷ USD chỉ đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu. Thực tế nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam cần tới 30 tỷ USD để hoàn thiện các hạ tầng cấp thoát nước, gồm các dự án nước sạch, xử lý nước thải dân sinh và công nghiệp.
    Vì thế, GS Nguyễn Việt Anh kiến nghị, các nhà quản lý cần đánh giá đúng giá trị của nước để đưa ra khung chính sách phù hợp và cần tư nhân hóa, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng lĩnh vực này.
    Bà Halla Maher Qaddumi, chuyên gia kinh tế cấp cao về ngành nước (WB), cho biết với mức độ gia tăng đe dọa từ nguồn nước, Việt Nam có thể mất 6% GDP mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến 2035. Trong đó, riêng ô nhiễm nguồn nước có thể làm giảm 3,5% GDP.

2nuoc28324.jpg
 Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo

    Để giải quyết vấn đề của ngành nước hiện tại, bà Halla Maher Qaddumi cho rằng, thu hút đầu tư từ khối tư nhân để cập nhật, xây dựng hệ thống hạ tầng mới thay cho hệ thống cũ, lạc hậu đang hiện hữu là vấn đề cần thiết. Vì vậy, bà Halla Maher Qaddumi gợi mở, để thu hút nguồn lực tư nhân, Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế chính sách tài chính mạnh mẽ, có khung pháp lý rõ ràng và cần thiết có thể cải cách thể chế.
    Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về thực trạng cấp thoát nước, những thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước tại Việt Nam. Cùng với đó, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nước cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, kinh nghiệm trong việc xử lý nước thải và cơ hội kinh doanh trong ngành nước; những giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết thách thức về nước đô thị và biến đổi khí hậu trên toàn cầu hướng tới bảo vệ tài nguyên nước trong thời đại mới.

Bài viết liên quan

  • Tập Huấn Hướng Dẫn Sử Dụng:” Hệ Thống Giám Sát Khai Thác Tài Nguyên Nước Trên Địa Bàn Tỉnh Bắc Giang”
    Tập Huấn Hướng Dẫn Sử Dụng:” Hệ Thống Giám Sát Khai Thác Tài Nguyên Nước Trên Địa Bàn Tỉnh Bắc Giang”

    Chiều ngày 25/4/2024, tại Bắc Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu tài nguyên nước thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tập huấn: “Hướng dẫn sử dụng Hệ thống Giám sát khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”

    26-04-2024
    Xem chi tiết
  • Ứng dụng công nghệ dự báo tiềm năng nước ngầm
    Ứng dụng công nghệ dự báo tiềm năng nước ngầm

    Nhóm các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM , Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu tài nguyên nước đã hợp tác nghiên cứu ứng dụng học máy dựa trên mô hình lai để dự báo tiềm năng nước ngầm vùng Bắc Trung Bộ nhằm góp phần quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.

    26-04-2024
    Xem chi tiết
  • Kiểm kê tài nguyên nước đối với các nguồn nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Giang
    Kiểm kê tài nguyên nước đối với các nguồn nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Giang

    Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển KTXH của vùng cũng như quốc gia. Thông tin dữ liệu về tài nguyên nước luôn được xem là số liệu cơ bản trong quá trình ổn định và phát triển của các ngành kinh tế. Thông tin dữ liệu về tài nguyên nước đầy đủ sẽ giúp cho mọi hoạt động KTXH được đảm bảo và phòng tránh được những rủi ro từ nước như hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm… Ngày 24/3/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại quyết định số 432/QĐ-TTg. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 là công bố được kết quả kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, vùng, tỉnh. Theo đó, tại Điều 2 khoản 5 của quyết định số 1383/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án tổng thể kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025 đã nêu rõ kế hoạch thực hiện kiểm kê tài nguyên nước đối với các địa phương.

    22-04-2024
    Xem chi tiết