Gắn quy hoạch nguồn nước với kế hoạch quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh

daibieunhandan.vn
16-11-2023
Chia sẻ In bài viết

     Tiếp theo chương trình Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều nay, 14.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
     Quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt
     Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III), có ý kiến đề nghị tăng cường công tác hậu kiểm, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí để quản lý tài nguyên nước mặt và giao Chính phủ quy định cụ thể về nội dung này.
     Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như: bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy tại Điều 25; phòng, chống ô nhiễm nước biển tại Điều 33; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66.
 

th80-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

     Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xác định rõ cơ sở pháp lý để xác định dòng chảy tối thiểu. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy nêu rõ, việc quy định dòng chảy tối thiểu trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được kế thừa từ Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27.11.2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thuỷ điện và được triển khai thực hiện ổn định nhiều năm qua.
     Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Mục 2, Chương IV) có ý kiến đề nghị rà soát các quy định liên quan để quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất, thông số quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác nước cho sinh hoạt. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan tại khoản 3, 4 Điều 43 về khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; quan trắc, giám sát tài nguyên nước tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 và giao Chính phủ quy định chi tiết việc quan trắc tại khoản 3 Điều 51 dự thảo Luật.
     Tối ưu hóa hiệu quả lợi ích sử dụng nước
     Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, vấn đề dòng chảy tối thiểu không chỉ là vấn đề thủy điện mà còn liên quan đến tài nguyên nước. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ các dự án thủy điện khi chuyển nước từ sông này sang sông khác mà không bảo đảm dòng chảy tối thiểu. Do vậy, dự thảo Luật lần này cần phải quy rõ về dòng chảy tối thiểu, nhất là các sông hồ liên quan đến các công trình thủy điện lớn.
Bên cạnh đó, về vấn đề nước mặt, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nên nghiên cứu đến các vùng nước nuôi tôm hoặc nuôi trồng thủy sản để có sự quản lý, bảo đảm toàn diện hơn.
Góp ý về nội dung điều tra cơ bản tài nguyên nước, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, dự thảo Luật dành 2 Điều là Điều 9 và Điều 10 quy định về vấn đề này. Trong đó, Điều 9 quy định về hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, Điều 10 về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước.

th80-2.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

     Trưởng Ban Công tác đại biểu nhận thấy, điều tra cơ bản tài nguyên nước là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật, tương tự như chế định điều tra cơ bản về dầu khí trong Luật Dầu khí (sửa đổi). Đến nay, dự thảo Luật đã được bổ sung thêm nhiều nội dung để thực hiện việc điều tra cơ bản tài nguyên nước, tuy nhiên, vẫn thiếu quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện việc này.
     Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị tham khảo thêm Luật Dầu khí (sửa đổi) để quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước. Vấn đề quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân phải do luật định, tránh việc chỉ có 2 Điều giao Chính phủ quy định chi tiết như trong dự thảo Luật.
     Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đến nay, các nội dung tiếp thu, giải trình cơ bản hợp lý, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao. Dự thảo Luật đến nay có chất lượng tốt, đủ điều kiện trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với các nhóm vấn đề đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý như đã nêu trong Báo cáo; đồng thời đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện thêm một số nội dung.
     Về quy định cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với hoạt động khai thác nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp nghiên cứu, trao đổi thêm để bảo đảm được tính công bằng, hợp lý, linh hoạt hơn.
     Đối với Điều 70 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ, cụ thể hơn điều kiện, năng lực của các tổ chức, cá nhân khi xã hội hóa, bảo đảm các quyết định điều hòa, phân bổ nguồn nước, các quyết định chỉ đạo vận hành các hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực để tối ưu hóa hiệu quả lợi ích sử dụng nước; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tính mạng, tài sản của Nhân dân các vùng hạ du và quan trọng nhất là năng lực của doanh nghiệp tham gia xã hội hóa.
     Cùng đó, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ hơn Điều 34 về quy định phục hồi nguồn nước suy thoái, cạn kiệt và Điều 72, Điều 74 nhằm bảo đảm tính khoa học, khả thi, có nguyên tắc về mặt ưu tiên nguồn lực cho việc phục hồi nguồn nước suy thoái, cạn kiệt; làm rõ nội hàm về vai trò, nội dung của kịch bản nguồn nước tại Điều 35, bởi đây là xương sống cho điều hòa phân phối nước để từ đó các bộ ngành, địa phương có phương án cân đối cụ thể trong thực hiện, bảo đảm an ninh nguồn nước, chủ động được nguồn nước và sử dụng hiệu quả kinh tế nước. “Phải cố gắng tập trung tối đa rà soát, có sự thống nhất giữa các điều khoản có liên quan tới các luật như Luật Bảo vệ môi trường, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); gắn quy hoạch nguồn nước đồng bộ với công tác quy hoạch được quy định trong các luật và trong các kế hoạch quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

 

Bài viết liên quan

  • Khánh thành Trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia
    Khánh thành Trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia

    Chiều 14/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia.

    17-05-2024
    Xem chi tiết
  • Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giám sát tài nguyên nước
    Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giám sát tài nguyên nước

    Nhằm hướng tới quản trị tổng hợp ngành nước trên nền tảng công nghệ số, hiện nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đang tập trung nguồn lực để triển khai xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu (CSDL) tài nguyên nước quốc gia. Nền tảng công nghệ số sẽ được đẩy mạnh ứng dụng trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đặc biệt khi xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông (LVS).

    11-05-2024
    Xem chi tiết
  • 57 Sở TN&MT kết nối tới Hệ thống giám sát tài nguyên nước Trung ương
    57 Sở TN&MT kết nối tới Hệ thống giám sát tài nguyên nước Trung ương

    Cục Quản lý tài nguyên nước đã xây dựng Hệ thống giám sát tài nguyên nước cấp Trung ương. Đây là công cụ quan trọng để Cục Quản lý tài nguyên nước giám sát vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước. Tính đến 4/2024 đã có 57 Sở TN&MT triển khai kết nối thông tin về Hệ thống; gần 9000 giấy phép về tài nguyên nước các loại do UBND cấp tỉnh được nhập lên hệ thống giám sát tài nguyên nước;…

    10-05-2024
    Xem chi tiết