Bộ TN&MT: Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập các Nghị định quy định Luật Tài nguyên nước năm 2023

dwrm.gov.vn
19-12-2023
Chia sẻ In bài viết

     Sáng ngày 18/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập các Nghị định quy định chi tiết Luật Tài nguyên nước năm 2023.
     Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập là lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị quản lý tài nguyên nước của Bộ TN&MT; đại diện các Bộ, ngành.
     Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Trong đó, Luật Tài nguyên nước năm 2023 giao Chính phủ hướng dẫn 21 điều, khoản.

tt-thanh-1231-1.jpg
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023

     Sau khi Luật được thông qua, ngày 01/12/2023, Bộ TN&MT đã có Văn bản gửi Bộ Tư pháp về thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết. Theo đó, Bộ TN&MT đã đề xuất xây dựng dự thảo 3 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật, bao gồm: dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước và dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và giao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sinh hoạt.
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Hiếu, trên cơ sở các nội dung được giao trong Luật, các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước và các pháp luật có liên quan, Cục Quản lý tài nguyên nước – Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo đã xây dựng dự thảo các Nghị định song song với việc xây dựng Luật và hoàn thiện sau khi Luật được thông qua.

a-hieu-bao-cao31234234.jpg
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu báo cáo tại cuộc họp

     Theo đó, quan điểm xây dựng Nghị định là bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất với Luật Tài nguyên nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan; Bổ sung, sửa đổi những nội dung còn tồn tại, vướng mắc trong các Nghị định quy định chi tiết Luật Tài nguyên nước năm 2012 và phù hợp với các quy định của Luật tài nguyên nước năm 2023, đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện, khả thi, thuận lợi cho các ngành, các cấp, các cơ quan và đặc biệt là các tổ chức cá nhân khai thác sử dụng nước trong thực thi quy định pháp luật về tài nguyên nước.
     Đồng thời nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, các quy định về thủ tục hành chính trong nội dung Nghị định bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và minh bạch.
     Bám sát quan điểm xây dựng Nghị định, đến nay cơ quan chủ trì soạn thảo đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Nghị định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và dự thảo Nghị định chi tiết việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

toan-canh12132.jpg
Quang cảnh cuộc họp

    Về một số nội dung chính của dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, Nghị định gồm 7 chương, 121 điều quy định các nội dung về: Điều tra cơ bản tài nguyên nước và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; Bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước; Điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước và đối tượng, quy mô, chế độ, thông số, chỉ tiêu quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước, chất lượng nước.
     Đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước gồm 4 chương, 63 điều. Bên cạnh việc quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, dự thảo Nghị định quy định nội dung về kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước; hành nghề khoan nước dưới đất và dịch vụ về tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
     Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự cơ bản thống nhất các nội dung trong 2 dự thảo Nghị định do Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì xây dựng. Đồng thời, tập trung thảo luận, góp ý kiến về các nội dung để hoàn thiện 2 dự thảo Nghị định đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và phù hợp với quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính; khắc phục những hạn chế, bất cập của một số quy định để đảm bảo hiệu quả, tính khả thi cao và đi vào thực tiễn.

bo-kh-dt234234.jpg
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu ý kiến

     Cũng tại cuộc họp, Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét, rà soát các nội dung liên quan đến quy hoạch như: Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kĩ thuật chuyên ngành về tài nguyên nước.
     Đại diện Vụ Môi trường, Bộ TN&MT đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến đánh giá sức chịu tải môi trường nước nhằm khắc phục tình trạng các dòng sông ô nhiễm hiện nay. Cùng với đó, đối với nội dung phòng chống tác hại do nước gây ra, Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn trách nhiệm giám sát của các Bộ, ngành địa phương.

a-ha32423.jpg
Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Nguyễn Ngọc Hà phát biểu ý kiến

     Góp ý kiến về nội dung “Điều tra cơ bản tài nguyên nước và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông”, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Nguyễn Ngọc Hà đề xuất đối với danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, Ban soạn thảo xem xét nên bỏ “vùng phụ cận” đối với 1 số lưu vực nhỏ và nằm hoàn toàn trong lãnh thổ.
    Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng Dự thảo nghị định. Đặc biệt, đơn vị đã làm song song với quá trình xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
     Để bảo đảm tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo tại cuộc họp này để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, đồng thời, đăng tải lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trên Cổng Thông tin điện tử chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT theo quy định.
 

Bài viết liên quan

  • Khánh thành Trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia
    Khánh thành Trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia

    Chiều 14/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia.

    17-05-2024
    Xem chi tiết
  • Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giám sát tài nguyên nước
    Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giám sát tài nguyên nước

    Nhằm hướng tới quản trị tổng hợp ngành nước trên nền tảng công nghệ số, hiện nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đang tập trung nguồn lực để triển khai xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu (CSDL) tài nguyên nước quốc gia. Nền tảng công nghệ số sẽ được đẩy mạnh ứng dụng trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đặc biệt khi xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông (LVS).

    11-05-2024
    Xem chi tiết
  • 57 Sở TN&MT kết nối tới Hệ thống giám sát tài nguyên nước Trung ương
    57 Sở TN&MT kết nối tới Hệ thống giám sát tài nguyên nước Trung ương

    Cục Quản lý tài nguyên nước đã xây dựng Hệ thống giám sát tài nguyên nước cấp Trung ương. Đây là công cụ quan trọng để Cục Quản lý tài nguyên nước giám sát vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước. Tính đến 4/2024 đã có 57 Sở TN&MT triển khai kết nối thông tin về Hệ thống; gần 9000 giấy phép về tài nguyên nước các loại do UBND cấp tỉnh được nhập lên hệ thống giám sát tài nguyên nước;…

    10-05-2024
    Xem chi tiết