Tham vấn lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
Ngày 15/7, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức Hội thảo tham vấn lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà; đại diện Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục thủy lợi các tỉnh: Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk; đại diện các công ty thủy điện lớn trên lưu vực sông Ba.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn 2050, Bộ TN&MT đã giao Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Trên cơ sở này, Hội thảo tham vấn được tổ chức hôm nay nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Ba; đồng thời, lấy ý kiến các địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp, phương hướng giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước trên lưu vực Sông Ba.
Tại Hội thảo, giới thiệu chung về khung Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Ba và các quan điểm, định hướng trong quy hoạch, ông Lương Quang Phục – Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định và Kiểm định tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, lưu vực sông Ba là một trong 9 lưu vực sông lớn ở Việt Nam, thuộc địa phận của các tỉnh: Gia Lai, Đăk Lăk, Phú Yên và một phần nhỏ thuộc Bình Định. Với diện tích lưu vực là 13.417 km², lưu vực sông Ba có tiềm năng rất lớn về nông lâm nghiệp, thủy sản với hơn 40km bờ biển nơi cửa ra của sông Ba là điều kiện để phát triển đánh bắt thủy hải sản xa bờ.
Ngoài ra, Lưu vực còn có nguồn thủy năng khá lớn, có nhiều vị trí xây dựng thủy điện vừa và lớn. Hiện tại phần lớn nước sử dụng lấy từ nguồn nước mặt các sông hồ. Nước dưới đất sử dụng còn ít so với nguồn nước mặt, chủ yếu cho sinh hoạt và một phần để tưới cho cây công nghiệp như cà phê ở trung thượng du lưu vực.
Ông Lương Quang Phục cũng cho biết, cũng như nhiều lưu vực sông khác tại Việt Nam, Lưu vực sông Ba đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước, cụ thể: Dòng chảy trên lưu vực sông Ba có sự biến động rất lớn theo không gian và biến đổi rất rõ rệt theo thời gian thể hiện qua sự biến động của mùa dòng chảy và dạng phân phối dòng chảy theo tháng trên các khu vực khác nhau của lưu vực sông; Sự phát triển kinh tế và dân số gia tăng kéo theo nhu cầu về năng lượng, tài nguyên thiên nhiên nói chung và nguồn nước nói riêng cũng tăng theo.
Bên cạnh đó, hiện tại chế độ dòng chảy tự nhiên trên sông Ba đã bị biến đổi rất mạnh mẽ do các hoạt động khai thác sử dụng của con người do trên lưu vực đã xây dựng các công trình hồ chứa thủy điện lớn, công trình thủy lợi nhỏ là các hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, nhỏ trên các sông suối trung và thượng lưu của lưu vực. Việc vận hành tích nước và xả nước của các công trình trên đã làm biến đổi mạnh mẽ chế độ dòng chảy của sông nhất là dòng chảy trong mùa cạn ở khu vực hạ lưu sông Ba.
Theo ông Lương Quang Phục, so với các sông ở nước ta, chế độ dòng chảy của sông Ba thuộc loại chế độ dòng chảy của sông bị điều tiết mạnh. Biến đổi chế độ dòng chảy của sông Ba hiện tại đang ngày càng có xu thế diễn biến bất lợi cho sử dụng nước, nhất là ở khu vực hạ lưu, hậu quả của việc khai thác sử dụng chưa hợp lý của con người.
Cùng với đó là các vấn đề mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề ảnh hưởng của biến đối khí hậu, thiên tai; vấn đề quản lý tài nguyên nước;… cũng đang làm gia tăng những thách thức liên quan đến nguồn nước trên lưu vực sông Ba.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, ngày 23/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 182/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu: “Bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm của nguồn nước”.
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch là: “Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh và quy hoạch tài nguyên nước của các tỉnh, thành phố".
Để có cơ sở triển khai Lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba đúng trọng tâm và hiệu quả, nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề nêu trên, theo ông Ngô Mạnh Hà, việc thực hiện lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết. Quy hoạch làm cơ sở điều chỉnh và định hướng cho công tác quản lý khai thác, sử dụng nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông Ba trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực.
Theo đó, Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Ba được lập bảo đảm theo các nguyên tắc như sau: Bảo đảm tính toàn diện của nước mặt với nước dưới đất, khai thác, sử dụng tài nguyên nước với bảo vệ, phát triển nguồn nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; Bảo đảm phân bổ hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực, giữa thượng lưu và hạ lưu; bảo đảm an ninh nguồn nước; Bảo đảm là cơ sở cho việc lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, kế hoạch bảo vệ nước dưới đất và điều hòa, phân phối tài nguyên nước;…
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ bao gồm những nội dung chính như sau: Phân tích, đánh giá hiện trạng tự nhiên, kinh tế – xã hội và định hướng phát triển có liên quan; Dự báo xu thế biến động và các vấn đề về tài nguyên nước cần giải quyết trong kỳ quy hoạch; Quan điểm, mục tiêu của quy hoạch; Định hướng điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống khắc phục tác hại do nước gây ra và giải pháp, kinh phí, kế hoạch thực hiện.
Tại Hội thảo, đại diện các Sở, ngành, chuyên gia đã phát biểu ý kiến, thảo luận làm rõ các vấn đề mà lưu vực sông Ba đang gặp phải và đề xuất giải pháp để có thể đưa vào trong Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đảm bảo các yêu cầu về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và phân bổ hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, giữa vùng thượng lưu và hạ lưu trong thời kỳ quy hoạch.
Trong đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ về các khó khăn, mức độ căng thẳng về nguồn cung cấp nước cho các mục đích sử dụng tại các địa phương/vùng, tiểu vùng và hạ lưu các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện; các vấn đề mâu thuẫn, phát sinh trong quá trình vận hành, trong hoạt động khai thác, sử dụng nước; nguyên nhân và giải pháp khắc phục; các vấn đề tồn tại đối với việc sử dụng nước hạ du sau khi công trình thủy điện An Khê – Ka Nak chuyển nước; vấn đề tích nước cuối mùa lũ của các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Ba, giải pháp phối hợp, vận hành, điều tiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước; …
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận chuyên sâu đối với các vấn đề trong bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Ba và các vấn đề trong phòng, chống tác hại do nước gây ra, đặc biệt là các giải pháp tại các khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; khu vực và yêu cầu bảo vệ nguồn nước; vấn đề công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt và các biện pháp bảo vệ chất lượng nước sinh hoạt…