Nghiên cứu phương pháp bổ cập tầng chứa nước có kiểm soát ở ĐBSCL
Sáng ngày 27-2, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang (Hawaco) phối hợp với dự án Quản lý nước dưới đất và Tai biến Địa chất thích ứng với biến đổi khí hậu (CRMGG), Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia và Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Cộng hòa Liên bang Đức (BGR) tổ chức Hội thảo Bổ cập tầng chứa nước có kiểm soát (MAR) một giải pháp khả thi trong quản lý nước dưới đất và cấp nước đồng bằng sông Cửu Long.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia; ông Bùi Trọng Lực Tổng Giám đốc Hawaco; Tiến sĩ Anke Steinel, Chuyên gia dự án CRMGG, Viện BGR, cùng các chuyên gia của dự án và sở, ngành trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ kết quả và bài học kinh nghiệm từ các dự án thí điểm MAR của dự án CRMGG, tính khả thi của MAR tại đồng bằng sông Cửu Long, thảo luận về các vị trí và phương thức triển khai khả thi và quy định liên quan đến MAR tại Việt Nam; thảo luận về các cơ hội và thách thức trong việc ứng dụng MRA, quy mô và yêu cầu quy định pháp luật. Đồng thời, thảo luận về bài học từ các dự án khác, về tài chính, môi trường. Mục đích hội thảo nhằm có những phương pháp giúp quản lý khai thác nước khả thi nhất, góp phần bảo vệ tài nguyên nước.
So với phương pháp lưu trữ nước trên bề mặt, trữ nước thông qua phương pháp MAR có nhiều lợi thế. Chẳng hạn, MAR yêu cầu về diện tích bề mặt hạn chế và nước không bị thất thoát do bốc hơi. Phương pháp này làm tăng mực nước ngầm đang suy giảm cục bộ và có thể làm chậm quá trình sụt lún đất. MAR cũng có thể được sử dụng để đẩy lùi tình trạng gia tăng độ mặn trong nước ngầm bằng cách bổ sung nước ngọt cục bộ, cải thiện chất lượng nước ngầm.
Đặc biệt, tình trạng nhiễm mặn nước ngầm được coi là mối đe dọa đối với tính khả dụng của các nguồn nước ngầm ngọt và đối với hoạt động khai thác nước ngầm trong tương lai. Do vậy CRMGG đã tiến hành nghiên cứu phương pháp bổ cập tầng chứa nước có kiểm soát như một giải pháp tiềm năng để cải thiện quản lý nước ngầm và giảm thiểu rủi ro địa chất ở một số khu vực của đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tại hai địa điểm thí điểm là thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.