Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia mã số ĐTĐL.CN-63/21
Sáng ngày 08 tháng 10 năm 2024, tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra buổi nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí nhằm quản lý, bảo vệ, chống suy thoái phục vụ khai thác bền vững nguồn nước dưới đất vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”, mã số: ĐTĐL.CN-63/21 do TS. Thân Văn Đón – Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu tài nguyên nước làm chủ nhiệm đề tài.
Tới tham dự buổi nghiệm thu có TS. Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, các thành viên Hội đồng theo Quyết định số 141/QĐ-TNNQG ngày 19 tháng 9 năm 2024 của Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cùng các thành viên nhóm thực hiện đề tài.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí nhằm quản lý, bảo vệ, chống suy thoái phục vụ khai thác bền vững nguồn nước dưới đất vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” thuộc chương trình Dự án “Nghiên cứu các giải pháp khoa học, công nghệ và chính sách nhằm quản lý, bảo vệ nước dưới đất, xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”. Tại buổi nghiệm thu, TS. Thân Văn Đón đã báo cáo tới Hội đồng các nội dung nghiên cứu cũng như các kết quả đạt được của đề tài, đồng thời đánh giá được hiệu quả mà đề tài mang lại. Theo đó, đề tài được thực hiện trong thời gian 36 tháng với các mục tiêu đặt ra như sau: 1. Đề xuất được bộ tiêu chí bảo vệ chống suy thoái phục vụ khai thác bền vững nguồn nước dưới đất vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; 2. Đề xuất được các giải pháp khoa học và chính sách nhằm bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; 3. Xây dựng được danh mục các nguồn nước được bảo vệ và kỹ thuật khai thác bền vững tài nguyên nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.
Với các mục tiêu đặt ra, nhóm đề tài đã xác định các nội dung nghiên cứu chính như sau: 1. Nghiên cứu tổng quan cơ sở khoa học về bộ tiêu chí và giải pháp quản lý, bảo vệ, chống suy thoái nguồn nước dưới đất trên thế giới và Việt Nam; 2. Nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân suy thoái nguồn nước dưới đất vùng nghiên cứu; 3. Nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí để bảo vệ, chống suy thoái phục vụ khai thác bền vững nguồn nước dưới đất vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; 4. Nghiên cứu đề xuất giải pháp khoa học, chính sách để quản lý, bảo vệ, khai thác bền vững và chống suy thoái nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; 5. Xây dựng danh mục các nguồn nước để bảo vệ và kỹ thuật khai thác bền vững tài nguyên nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; 6. Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.
Để đạt được các mục tiêu cũng như các nội dung nghiên cứu đã đặt ra, nhóm đề tài đã thực hiện thu thập, phân tích tổng hợp các tài liệu trong và ngoài nước, thực hiện điều tra khảo sát thực địa tại 15 tỉnh khu vực Bắc Bộ, 05 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, 07 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, 04 tỉnh khu vực Tây Nguyên và 10 tỉnh khu vực Nam Bộ, với số vùng được điều tra đánh giá là 201 vùng; làm việc với các cơ quan địa phương để bổ sung, hoàn thiện số liệu; tổ chức 03 buổi hội thảo tại các địa điểm Sơn La, Nha Trang và Hà Nội để thu thập các ý kiến nhận xét của các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần nâng cao chất lượng của đề tài.
Đến thời điểm hiện tại, với các ý kiến nhận xét của các chuyên gia, nhà khoa học tại các buổi hội thảo, các đóng góp của các cơ quan địa phương, nhóm đề tài đã xây dựng được Bộ tiêu chí nhằm quản lý, bảo vệ, chống suy thoái phục vụ khai thác bền vững nguồn nước dưới đất vùng núi cao vùng khan hiếm nước, bao gồm 3 nhóm đánh giá, 11 tiêu chí và 17 chỉ số (nhóm suy giảm trữ lượng gồm 3 tiêu chí, 6 chỉ số; nhóm suy giảm về môi trường gồm 3 tiêu chí, 4 chỉ số; nhóm suy giảm do yếu tố kinh tế – xã hội gồm 5 tiêu chí, 7 chỉ số) phục vụ cho việc đánh giá hiện trạng suy thoái nguồn nước dưới đất ở khu vực nghiên cứu. Kết quả đánh giá mức độ bảo vệ, chống suy thoái nguồn nước dưới đất theo bộ tiêu chí cho các vùng cao, vùng khan hiếm cho thấy có 2 nguồn nước có mức độ tốt, 141 nguồn nước có mức độ trung bình và 50 nguồn nước có mức độ kém. Đề tài cũng đã đề xuất được giải pháp khoa học thực tiễn và giải pháp chính sách nhằm quản lý, bảo vệ, chống suy thoái nguồn nước dưới đất vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, đồng xây dựng được danh mục nguồn nước cần bảo vệ cho 189 vùng cao, vùng khan hiếm.
Dưới sự chủ trì của TS. Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đã tích cực đóng góp, đưa ra các ý kiến nhận xét thiết thực, quý báu đối với các nội dung mà nhóm đề tài đã thực hiện. Căn cứ các ý kiến đóng góp, nhóm đề tài sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện trước khi thực hiện nghiệm thu cấp Bộ.