LIÊN ĐOÀN QUY HOẠCH VÀ ĐIỀU TRA TÀI NGUYÊN NƯỚC MIỀN TRUNG, 45 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỄN.
Trước năm 1975, vào tháng 10 năm 1973, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Tổng cục Địa chất tổ chức Ban B (ở Yên Viên - Hà Nội), để chuẩn bị chi viện cho Mặt trận Giải phóng miền Nam. Đoàn Địa chất thủy văn (B3) được thành lập tại Yên Viên - Hà Nội, với nhiệm vụ chuẩn bị mọi mặt về cơ cấu tổ chức, nhân lực, vật tư trang thiết bị để vào thẳng chiến trường Tây Nguyên.
Ngày 08 tháng 3 năm 1974, Đoàn Địa chất thủy văn (B3), gồm có 7 kĩ sư và 9 công nhân, do ông Trần Đình Các làm Đoàn trưởng, lên đường vào Tây Nguyên. Đến ngày 28 tháng 4 năm 1974 Đoàn có mặt ở Tây Nguyên và đóng quân ở PleiKần - Kon Tum.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vào tháng 6 năm 1975, Đoàn Địa chất thủy văn B3 tiếp nhận thêm 2 Đoàn công tác từ miền Bắc vào, 1 Đoàn của Tổng cục Địa chất, do ông Trần Tạo làm trưởng Đoàn, cùng với 20 cán bộ và 1 Đoàn của Ủy ban nông nghiệp Trung ương do ông Trần Luận dẫn đầu, cùng với 8 cán bộ. Trên cơ sở đó, tháng 8 năm 1975 Tổng cục Địa chất đã ra Quyết định thành lập Đoàn Địa chất 66 Tây Nguyên. Đến tháng 11 năm 1975 Tổng cục Địa chất đã đề nghị và được Chính phủ ra Quyết định số 207/CP ngày 22 tháng 11 năm 1975 thành lập Liên đoàn Địa chất thủy văn miền Nam trên cơ sở Đoàn Địa chất 66 Tây Nguyên, có trụ sở tại thành phố Plei ku - Gia Lai. Tiếp theo đó ngày 05 tháng 12 năm 1975 Tổng cục Địa chất Việt Nam đã có Quyết định số 350/QĐ-TC về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Địa chất thủy văn miền Nam và đó chính là tổ chức tiền thân của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung ngày nay.
Tháng 6 năm 1997, tại Quyết định số 891/QĐ-TCCB ngày 20/6/1997 của Bộ Công nghiệp, Liên đoàn được đổi tên là Liên đoàn Địa chất thủy văn - Địa chất công trình (ĐCTV - ĐCCT) miền Trung, địa bàn hoạt động gồm: khu vực Tây Nguyên và các tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ (từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Bình Thuận).
Đến năm 2008, do nhu cầu đổi mới và đẩy mạnh công tác quy hoạch, điều tra, kiểm kê tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1233/QĐ-BTNMT ngày 12 tháng 6 năm 2008, một lần nữa Liên đoàn được đổi tên thành Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung.
Ngày đầu mới thành lập năm 1975, Liên đoàn chỉ với một lực lượng gồm vài chục cán bộ kỹ thuật và công nhân, đảm nhiệm triển khai thực hiện từng bước các nhiệm vụ địa chất thủy văn, địa chất công trình trên địa bàn rộng lớn trải dài từ Quảng Bình trở vào các tỉnh Nam Bộ. Lúc bấy giờ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực vô cùng thiếu thốn, thậm chí phải đối mặt với những hiểm nguy do hậu quả bom, mìn của chiến tranh để lại, lực lượng Fulro thường xuyên quấy phá, uy hiếp trong quá trình triển khai công việc, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên.
Tuy phải đối mặt trước không ít khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, ngành và đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các địa phương, đã tạo điều kiện giúp đỡ Liên đoàn, tạo thêm động lực cho cán bộ, viên chức và người lao động của Liên đoàn có được quyết tâm, vững vàng bám trụ, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng ngày càng phát triển không ngừng.
Trong quá trình phát triển đi lên của mình, Liên đoàn luôn hoàn thành xuất sắc việc triển khai thực hiện các đề án tìm kiếm, điều tra, đánh giá, thăm dò nước dưới đất (NDĐ) và lập bản đồ ĐCTV - ĐCCT các vùng ở Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, với các tỷ lệ từ 1:200.000 đến 1:25.000. Các đề án tập trung thực hiện ở các khu vực đô thị, khu dân cư, các vùng phát triển kinh tế trọng điểm, khu vực phân bố khoáng sản (bau xít),… Kết quả thực hiện các đề án đã góp phần mở ra các định hướng phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, cũng như khai thác sử dụng và an ninh nguồn nước cho các vùng và địa phương.
Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TCCB, ngày 20/6/1997 của Bộ Công nghiệp, hoạt động của Liên đoàn ngày càng phát triển, đa dạng về nhiệm vụ chuyên môn. Các nhiệm vụ bao gồm: điều tra, đánh giá NDĐ, thành lập các bản đồ ĐCTV, ĐCCT, địa chất môi trường, địa chất đô thị, địa chất tai biến, điều tra đánh giá nước khoáng, nước nóng; điều tra đánh giá nguồn NDĐ gắn liền với khai thác cấp nước quy mô nhỏ và vừa cho các cụm dân cư vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng căn cứ cách mạng. Thực hiện dịch vụ công về các lĩnh vực: khoan khai thác nước, khảo sát nền móng công trình, thăm dò nước khoáng, nước nóng, bùn khoáng, đo đạc địa hình, trắc địa công trình, khảo sát địa vật lý, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành,…
Tháng 6 năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1233/QĐ - BTNMT ngày 12/6/2008 và các năm sau đó Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã ban hành các Quyết định số 308/QĐ-TNNQG, ngày 30/12/2013, Quyết định số 199/QĐ-TNNQG, ngày 09/9/2015 và Quyết định số 345 ngày 01/12/2017 quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Liên đoàn. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Liên đoàn là: quy hoạch tài nguyên nước (quy hoạch phân bổ nguồn nước, quy hoạch bảo vệ sử dụng tổng hợp, phát triển tài nguyên nước và quy hoạch phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra); thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên nước (lập bản đồ đặc trưng lưu vực sông; bản đồ ĐCTV; bản đồ tài nguyên nước, chất lượng nguồn nước, các bản đồ chuyên đề về tài nguyên nước; đánh giá, phân loại các nguồn nước; tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, nhiễm mặn, các tác hại do nước gây ra; xác định khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; dòng chảy tối thiểu trong sông, ngưỡng khai thác đối với các tầng chứa nước, khu vực, vùng hạn chế khai thác nước; khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất; kiểm kê tài nguyên nước, điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải; xác định và xây dựng hành lang bảo vệ các nguồn nước; đánh giá khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước; quản lý và vận hành hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước; thu thập, chỉnh lý và lưu trữ các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước, thực hiện nhiệm vụ cảnh báo và dự báo tài nguyên nước, trên địa bàn các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây là bước tiến mới trong lĩnh vực tài nguyên nước, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói riêng.
Trải qua chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển trong 45 năm, Liên đoàn phấn khởi, tự hào về những thành quả đạt được. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trên địa bàn hoạt động của Liên đoàn, đồng thời góp phần xây dựng ngành, xây dựng Liên đoàn ngày càng phát triển.
Trong thời gian 45 năm qua, Liên đoàn đã thực hiện hoàn thành 138 đề án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được Nhà nước giao và hàng chục dự án, nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện theo đề nghị của các địa phương. Cụ thể là:
Thành lập các bản đồ ĐCTV tỷ lệ 1:200.000 trên toàn bộ diện tích địa bàn hoạt động của Liên đoàn (115.000 km2) và bản đồ ĐCCT ở tỷ lệ 1:200.000 trên diện tích 103.870 km2. Đặc biệt, bản đồ tài nguyên NDĐ tỷ lệ 1:200.000 đã được biên hội - thành lập cho các tỉnh, đã tiến hành tổng hợp, đánh giá cụ thể về tiềm năng tài nguyên nước dưới đất dự báo và trữ lượng có thể khai thác cho từng tỉnh (sản phẩm này đã góp phần tạo nên 1 trong 10 sự kiện nổi bật năm 2019 của ngành Tài nguyên và Môi trường). Kết quả thành lập các các bản đồ trên đây là bộ tài liệu hết sức quan trọng, làm cơ sở khoa học phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, vùng, miền.
Công tác tổng hợp tài liệu thành lập các chuyên khảo về NDĐ cho khu vực Tây Nguyên và các đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, đã được Cục Địa chất Việt Nam xuất bản, đã đáp ứng được các yêu cầu tham khảo, nghiên cứu về ĐCTV, cấp nước, quy hoạch, môi trường.
Hoàn thành các tờ bản đồ ĐCTV và ĐCCT tỷ lệ 1:50.000 tại các đô thị, khu vực khai thác khoáng sản, vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, vùng khô hạn,… của vùng Plei Ku - Biển Hồ (Gia Lai), vùng Đức Trọng - Di Linh (Lâm Đồng), vùng ven biển tỉnh Khánh Hòa, phía Bắc tỉnh Phú Yên, phía Nam tỉnh Bình Định, toàn bộ 2 tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận và 2 khu vực phục vụ khai thác Bau xít ở Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đăk Nông). Tổng diện tích lập bản đồ là 23.829 km2 (chiếm 20,7% diện tích địa bàn hoạt động của Liên đoàn), với tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất đã được đánh giá là 25.741.662 m3/ng; đã đánh giá đặc điểm chỉ tiêu cơ lý các phân vị ĐCCT, cũng như các quá trình địa chất động lực công trình của vùng lập bản đồ, l àm cơ sở định hướng cho quy hoạch sử dụng hợp lý lãnh thổ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Liên đoàn đang thực hiện dự án: “Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định), với mục tiêu phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên nước, công tác lập quy hoạch, bảo vệ tài nguyên nước khu vực nghiên cứu.
Điều tra địa chất đô thị đã được Liên đoàn thực hiện ở 10 thị xã, thành phố và 1 hành lang kinh tế trọng điểm, với tổng diện tích điều tra là 4.967 km2. Kết quả là đã tạo lập được các dữ liệu điều tra cơ bản về địa chất, phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển và quản lý cho các đô thị ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Công tác tìm kiếm, điều tra, đánh giá, thăm dò NDĐ, đã được Liên đoàn thực hiện 82 vùng, kết quả là đã làm rõ đặc điểm các tầng chứa nước, đánh giá chất lượng và đánh giá trữ lượng khai thác NDĐ cấp A+B là 52.331 m3/ngày, cấp C1 là 657.130 m3/ngày và trữ lượng tiềm năng cấp C2 là 41.701.090 m3/ngày. Dựa vào kết quả của công tác tìm kiếm, điều tra, thăm dò NDĐ ở các vùng, các địa phương đã sử dụng phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên NDĐ hợp lý, bền vững, đặc biệt là đầu tư xây dựng nhiều công trình cung cấp nước sạch cho các thành phố, thị xã, các khu công nghiệp quan trọng ở Buôn Ma Thuột, Plei Ku, Gia Nghĩa, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Đà Nẵng,…và các thị trấn, thị tứ trong vùng. Ngoài ra, Liên đoàn đã điều tra, đánh giá NDĐ trên các đảo ven biển (Lý Sơn, Phú Quý, Cù Lao Xanh, Cù Lao Chàm,..) và thủy vực ven biển Nam Trung Bộ. Kết quả đã đ ánh giá chi tiết đặc điểm phân bố, số lượng, chất lượng tài nguyên nước, khả năng lưu giữ và phát triển nguồn nước, nhằm đảm bảo cung cấp nước phục vụ dân sinh - kinh tế và an ninh quốc phòng trên đảo.
Nhằm tránh tình trạng suy kiệt, nhiễm bẩn, nhiễm mặn và tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến nguồn nước dưới đất khu vực ven biển Nam Trung Bộ, Liên đoàn đã thực hiện các dự án điều tra khoanh định vùng hạn chế khai thác NDĐ, cũng như đánh giá chi tiết sự biến đổi chất lượng, số lượng NDĐ trong vùng theo các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Để góp phần tích cực vào Chương trình quốc gia về cung cấp nước sạch nông thôn, trong những năm qua Liên đoàn đã thực hiện có hiệu quả các Nhiệm vụ điều tra, đánh giá NDĐ kết hợp khai thác cung cấp nước sạch cho nhân dân, như các đề án, dự án “Điều tra, đánh giá nguồn NDĐ ở vùng núi Trung Bộ và Tây Nguyên”; “Điều tra, đánh giá nguồn NDĐ ở một số vùng trọng điểm thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên”; “Điều tra, đánh giá NDĐ các vùng đặc biệt thiếu nước sinh hoạt thuộc các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận”. Kết quả là đã có khoảng 530.000 người dân trong các vùng điều tra được hưởng lợi nguồn nước sạch, với trữ lượng khai thác khoảng 32.000 m3/ngày. Và hiện nay Liên đoàn đang thực hiện dự án: “Điều tra, tìm kiềm nguồn NDĐ tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”, đến nay đã kết thúc giai đoạn I của dự án, với kết quả đã tìm được các nguồn NDĐ đất đảm bảo về chất lượng và trữ lượng để phục vụ xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, với tổng trữ lượng có thể khai thác lên đến 28.842 m3/ng (Tây Nguyên: 16.947 m3/ngày và Nam Trung Bộ: 11.895 m3/ngày). Trong mùa khô hạn năm 2020, Liên đoàn đã tiến hành xây dựng 3 trạm cấp nước khẩn cấp chống hạn tặng nhân dân tại 3 vùng, trong đó tỉnh Gia Lai 2 trạm (xã Đăk Trôi và xã Ia Rong), tỉnh Kon Tum 1 trạm (xã Đăk Tờ Re), với tổng lưu lượng khai thác là 600 m3/ngày, chấm dứt tình trạng khan hiếm, khô hạn, đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho khoảng 5.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Kết quả điều tra trên đây, cùng với hiệu quả ban đầu của nó mang lại sẽ là cơ sở để tiếp tục thi công giai đoạn tiếp theo của dự án.
Với tầm quan trọng của tài nguyên NDĐ đối với phát triển KTXH ở các đô thị lớn ở nước ta, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 18/2/2013, phê duyệt đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” - Giai đoạn 1. Đối với nhiệm vụ này, trong thời gian qua Liên đoàn đã thực hiện ở 2 đô thị là: đô thị Buôn Ma Thuột (560 km2) và đô thị Vũng Tàu (890 km2). Kết quả thực hiện đã đã làm sáng tỏ được điều kiện tồn tại, sự phân bố, số lượng, chất lượng NDĐ của 2 đô thị, cũng như đã xác định các nguyên nhân, con đường, nguy cơ và mức độ cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn NDĐ, trên cơ sở đó đã đề xuất các giải pháp kỹ thuật bảo vệ hiệu quả, bền vững NDĐ của 2 đô thị Buôn Ma Thuột và Vũng Tàu.
Hiện nay, Liên đoàn đang thực hiện đề án “Bảo vệ nước dưới đất đô thị Long Xuyên” thuộc giai đoạn 2 của đề án chung: “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” - Giai đoạn II.
Nhiệm vụ: “Quan trắc quốc gia TNN vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ”, đây là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện thường xuyên đã được Liên đoàn xây dựng, quản lý và vận hành từ năm 1991. Trong quá trình vận hành, mạng quan trắc ở Tây Nguyên đã được bổ sung, nâng cấp vào năm 2008 và xây dựng mới, đưa vào vận hành trạm quan trắc NDĐ Quảng Đà, Quảng Ngãi, thuộc mạng quan trắc Duyên Hải Nam Trung Bộ vào năm 2012. Ngoài quan trắc NDĐ, Liên đoàn còn được giao quản lý, vận hành 7 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt (Tây Nguyên: 4 trạm, ven biển: 3 trạm, hiện nay dừng quan trắc 1 trạm).
Đến nay, Nhiệm vụ “Quan trắc quốc gia TNN vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ” đang vận hành thu thập tài liệu từ 246 công trình quan trắc nước dưới đất (Tây Nguyên: 205 công trình, Duyên hải Nam Trung Bộ: 41 công trình). Kết quả quan trắc là cơ sở tài liệu quan trọng để đánh giá xu hướng, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương trong công tác quản lý, phân bổ, khai thác sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên nước, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ .
Những năm gần đây, thiên tai nói chung và tai biến địa chất nói riêng đã và đang xảy ra khá phổ biến trên nhiều vùng của nước ta, trong đó có ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên. Trước tình hình đó, Liên đoàn đã thực hiện các đề án về điều tra tai biến địa chất đối với khu vực ven biển Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, với tổng diện tích nghiên cứu là 72.000 km2. Kết quả là đã xác định cụ thể đặc điểm hiện trạng, nguồn gốc, mức độ nguy hại và phân loại các tai biến địa chất chủ yếu có nguồn gốc nội sinh, ngoại sinh (gồm: động đất, núi lửa; đứt gãy; sụt lún mặt đất; trượt lở đất; xói mòn; nhiễm mặn, nhiễm bẩn nguồn nước,…), từ đó đã phân định rõ diện tích, dự báo mức độ phát triển, nguy cơ và phạm vi ảnh hưởng của các tai biến địa chất chủ yếu trên một số vùng trọng điểm và đề xuất các biện pháp cụ thể phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do chúng gây ra.
Ngoài thực hiện các nhiệm vụ về tài nguyên nước, Liên đoàn còn thực hiện một số đề án tìm kiếm, đánh giá, thăm dò khoáng sản, đó là tìm kiếm nước khoáng Đảnh Thạnh (Khánh Hòa), vùng Hội Vân (Bình Định), với trữ lượng đã đánh giá cấp B là 743 m3/ngày, cấp C1 là 1.473 m3/ngày; thăm dò nước khoáng lỗ khoan 809 - Đăk Min (Đăk Nông), với trữ lượng cấp A là 840 m3/ngày. Các mỏ nước khoáng này đã được khai thác để đóng chai, khai thác khí carbonic (CO2) đi kèm (Đăk Min), làm cơ sở thăm dò khả năng sử dụng địa nhiệt (Hội Vân),… Ngoài ra, Liên đoàn còn thực hiện một số đề án tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, như đá vôi vùng Chư Sê (Gia Lai), vùng Chư Minh (Đăk Lăk); sét gạch ngói vùng Tây Buôn Ma Thuột; fenspat vùng Ea Knốp (Đăk Lăk); điatomit vùng Kon Tum; vàng vùng An Trung (Gia Lai),… với tổng trữ lượng và tài tài nguyên dự tính các loại khoáng sản điều tra, thăm dò đạt hàng triệu tấn, các mỏ này đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp khai thác sử dụng hiệu quả.
Song song với thực hiện các Nhiệm vụ được Nhà nước giao, Liên đoàn còn thực hiện nhiều hợp đồng tư vấn, dịch vụ với các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,… với hàng ngàn mét khoan khảo sát Địa chất công trình, hàng trăm lỗ khoan khai thác phục vụ cấp nước sinh hoạt, tưới và sản xuất; phân tích hàng ngàn mẫu nước, mẫu địa chất công trình; thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và đề án, nhiệm vụ về điều tra, thăm dò nước khoáng - nước nóng, điều tra và quy hoạch tài nguyên nước, khoáng sản,… Doanh thu trung bình hàng năm gần đây đối với loại hình dịch vụ đạt từ 25 - 30 tỷ đồng. Kết quả hoạt động dịch vụ không những có ý nghĩa về kinh tế, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên trong Liên đoàn mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và được các địa phương và doanh nghiệp đánh giá cao.
Về lĩnh vực hợp tác Quốc tế - Khoa học công nghệ: trong những năm gần đây Liên đoàn đã tích cực triển khai các hoạt động trong lĩnh vực hợp tác quốc tế với tổ chức Jica (Nhật Bản), Danida (Đan Mạch) về điều tra tài nguyên nước dưới đất khu vực Bắc Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ; tham gia dự án bảo vệ nước dưới đất đô thị Quảng Ngãi hợp tác với BGR do Chính phủ Đức tài trợ; xây dựng và thi công hợp phần “Đánh giá trữ lượng và chất lượng tài nguyên nước dưới đất” thuộc Dự án: Quản lý tổng hợp nước, đất và dinh dưỡng cho hệ thống Nông nghiệp ở Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam, do Chính phủ Úc (ACIAR) tài trợ.
Công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng cán bộ kỹ thuật luôn được Liên đoàn quan tâm. Nhiều đề tài khoa học - công nghệ cấp Nhà nước, cấp bộ, cơ sở và cấp tỉnh đã được thực hiện. Gần đây nhất, Liên đoàn đã chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “ Nghiên cứu định hướng giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước khoáng - nước nóng lãnh thổ Việt Nam ”. Kết quả đã điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng các nguồn nước khoáng - nước nóng; bổ sung, lập danh bạ nguồn nước khoáng - nước nóng thiên nhiên lãnh thổ Việt Nam (400 nguồn). Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đề tài cũng đã đề xuất định hướng khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn nước khoáng - nước nóng.
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao và dịch vụ sản xuất khác đã tạo nên nguồn tài liệu quý về quy hoạch và điều tra tài nguyên nước, có ý nghĩa về khoa học và thực tiễn cao và đã được nhiều ngành, đơn vị, địa phương khai thác sử dụng có hiệu quả cho mục đích xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cũng như sự phát triển chung của đất nước.
Đi đôi với triển khai các nhiệm vụ chính trị, Liên đoàn hết sức chăm lo xây dựng cơ sở vật chất: nâng cấp, xây dựng mới trụ sở làm việc từ các đơn vị trực thuộc đến cơ quan Liên đoàn; không ngừng đầu tư đổi mới thiết bị máy móc thi công; áp dụng tiến bộ công nghệ thông tin, phần mềm chuyên môn; nâng cấp, bổ sung các thiết bị của cơ sở phân tích - thí nghiệm,... nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về quy hoạch và điều tra tài nguyên nước.
Đời sống vật chất và tinh thần của CBCNV cũng không ngừng được cải thiện, mức thu nhập bình quân của người lao động năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014 đạt 7,4 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2019 đạt trên 13 triệu đồng/người/tháng. Toàn bộ viên chức và người lao động đều có có việc làm, thu nhập và mọi quyền lợi được đảm bảo. Các chủ trương của Đảng, chế độ chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được Liên đoàn thực hiện nghiêm túc và đầy đủ.
Hệ thống chính trị của Liên đoàn không ngừng được củng cố để phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ theo từng thời kỳ phát triển, thay đổi của ngành và của Liên đoàn. Đảng bộ Liên đoàn nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, tổ chức Công đoàn đạt danh hiệu Công đoàn xuất sắc, tổ chức Đoàn thanh niên được tái thành lập và ngày càng lớn mạnh.
Ghi nhận sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các thế hệ CBCNV và những thành tích đóng góp của CBCNV và Liên đoàn trong các thời kỳ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cũng như phát triển chung của đất nước, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho Liên đoàn và các cá nhân tiêu biểu trong lao động sản xuất nhiều phần thưởng cao quý, đó là: 02 Huân chương Độc lập hạng nhì và Hạng ba; 17 Huân chương lao động các hạng, 18 Bằng khen của Thủ tướng; 02 cờ thi đua của Chính phủ và 09 Cờ thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh; 199 Bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh. Năm 2018, 2019, Liên đoàn vinh dự được Chính phủ tặng Cờ thi đua.
Những thành tích đáng ghi nhận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị về tìm kiếm, điều tra đánh giá, thăm dò, quy hoạch tài nguyên nước, trong nghiên cứu khoa học của Liên đoàn suốt 45 năm qua là kết quả của sự phấn đấu liên tục, không mệt mỏi của tập thể cán bộ, CNV Liên đoàn qua các thời kỳ. Những thành quả đó đã đóng góp và quyết định vào sự lớn mạnh không ngừng của Liên đoàn.
Nhân dịp này, tập thể cán bộ, viên chức và người lao động Liên đoàn, xin bày tỏ lòng trân trọng và biết ơn sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ to lớn của các cấp lãnh đạo Bộ, ngành và các địa phương trong suốt 45 năm qua đối với Liên đoàn; đồng thời cũng xin biểu thị lòng kính trọng, ghi ơn đến các đồng chí nguyên là lãnh đạo Liên đoàn, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ, CNV qua các thời kỳ đã đóng góp sức lực, trí tuệ, tài năng, cùng nhau xây dựng Liên đoàn, đó là nhân tố góp phần quan trọng, tạo nên những thành quả có được như ngày hôm nay.
Tự hào về quá khứ đáng tự hào trong 45 năm qua, để nối tiếp chặng đường sự nghiệp tiếp theo, ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, CNV Liên đoàn tiếp tục kế thừa, phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp; nêu cao tính chủ động, sáng tạo, giữ vững sự đoàn kết thống nhất; tăng cường năng lực hoạt động, phấn đấu thực hiện thắng lợi và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ về quy hoạch và điều tra tài nguyên nước trong giai đoạn mới.
Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Liên đoàn là: tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch và điều tra tài nguyên nước được Nhà nước giao ; gắn kết quả hoạt động của Liên đoàn phục vụ kịp thời cho công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước; tham gia tích cực giải quyết nhu cầu nước sạch cho cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực địa bàn hoạt động của Liên đoàn. Để giải quyết các vấn đề đó, trong thời gian tới Liên đoàn sẽ tập trung: thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch và điều tra, đánh giá tài nguyên nước, nhất là đẩy mạnh công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, các sông xuyên quốc gia; lập bản đồ tài nguyên nước tại các vùng phát triển kinh tế trọng điểm; điều tra, đánh giá, tìm kiếm các nguồn nước để đáp ứng nhu cầu nước sạch theo Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đề án “Bảo vệ tài nguyên nước ở các đô thị lớn” - giai đoạn II; thực hiện Nhiệm vụ quan trắc quốc gia tài nguyên nước vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ; triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng phó biển đổi khí hậu và nước biển dâng đối với tài nguyên nước; đề xuất triển khai đề tài, nhiệm vụ về phát triển nguồn nước bằng biện pháp bổ sung nhân tạo, nhằm giảm thiểu suy kiệt tài nguyên NDĐ.
Nhận thức đầy đủ lợi ích mang lại từ hoạt động sản xuất dịch vụ, Liên đoàn luôn tăng cường năng lực, mở rộng thị trường và loại hình sản xuất dịch vụ, phấn đấu đạt doanh thu hàng năm tăng từ 10 - 20%.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, trong thời gian tới Liên đoàn tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được; kết hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường toàn diện về năng lực, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, không ngừng nâng cao trình độ cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và đội ngũ công nhân kỹ thuật; nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị; phát huy tiềm năng, lợi thế của lĩnh vực chuyên ngành, liên doanh, liên kết, hợp tác chặt chẽ với các địa phương, đơn vị; tăng cường hợp tác quốc tế. Thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy chế dân chủ cơ sở; chấp hành sự chỉ đạo của Bộ TN&MT và của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia. Tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước có chiều sâu, thiết thực, nhằm vào mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Liên đoàn, thực hiện thắng lợi, toàn diện Nghị quyết mà Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ Liên đoàn đã đề ra.
Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Liên đoàn (22/11/1975 - 22/11/2020), cán bộ, viên chức và người lao động Liên đoàn xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; sự giúp đỡ, tạo điều kiện thực thi các nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương.
Đặc biệt, thế hệ những người đang tiếp tục sự nghiệp tài nguyên nước hôm nay, xin bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng về công lao cống hiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Liên đoàn và các cán bộ, viên chức, người lao động của Liên đoàn qua các thời kỳ.
Chặng đường phía trước của Liên đoàn còn không ít khó khăn và thử thách, nhân ngày truyền thống này, cán bộ, viên chức và người lao động toàn Liên đoàn nguyện đưa hết tinh thần và nghị lực, tài năng và trí tuệ, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Liên đoàn, vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt cơ hội, phân đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, quyết tâm xây dựng Liên đoàn ngày càng phát triển vững mạnh./