Hưởng ứng ngày nước thế giới (22/3): Nước cho hòa bình
Ngày Nước Thế giới năm nay được Liên hợp quốc phát động với chủ đề "Nước cho hòa bình" tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Ngày Nước thế giới 22/3/2024 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề "Leveraging water for peace" – "Nước cho hòa bình". Thông điệp "hòa bình" được phát ra trong bối cảnh an ninh nguồn nước thế giới đang gặp nhiều thách thức, nhấn mạnh quyền con người trong tiếp cận nước và vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Hơn 70% diện tích bề mặt Trái đất là nước nhưng chỉ có 2,5% là nước ngọt có thể sử dụng và nước sạch còn khan hiếm hơn. Bởi vậy, nước sạch có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người. Nước là một trong những nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Nước cần cho mọi sự sống và phát triển trên Trái đất. Nước vừa là môi trường, đồng thời chính là mạch nguồn sự sống.
Ngày nay, tài nguyên nước đang chịu áp lực ngày càng tăng và được dự báo sẽ sớm trở thành một thứ tài nguyên quý giá không kém dầu mỏ trong thế kỷ 21. Các tác động của biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt… cùng sự gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu sử dụng nước tăng không chỉ trong đời sống hàng ngày mà cả trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp… đã và đang đặt ra nhiều thách thức với nguồn tài nguyên hữu hạn này. Tiếp cận nguồn nước là quyền của con người. Tuy nhiên, khi nước khan hiếm hoặc ô nhiễm nước, hoặc khi mọi người không được tiếp cận bình đẳng hoặc không có khả năng tiếp cận với nước, căng thẳng có thể gia tăng, nước có thể châm ngòi cho xung đột vũ trang.
Để kêu gọi sự thức tỉnh của toàn nhân loại về tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới, hằng năm, vào ngày 22/3, các quốc gia trên toàn thế giới đều tổ chức kỷ niệm Ngày Nước thế giới. Năm nay, với chủ đề "Leveraging water for peace" – "Nước cho hòa bình", Ngày Nước thế giới 2024 không chỉ là một cơ hội để tăng cường nhận thức về giá trị của nước mà còn là một lời kêu gọi toàn cầu để hành động cụ thể, xây dựng các chiến lược và chính sách quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững, góp phần vào việc xây dựng một thế giới hài hòa và phồn thịnh.
Ủng hộ chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2024, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres chia sẻ "… Hiện, hàng tỷ người vẫn chưa có nước sạch và nhà vệ sinh. Do đó, chúng ta phải hành động dựa trên nhận thức rằng nước không chỉ là tài nguyên để sử dụng và cạnh tranh mà còn là quyền của con người, vốn có trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta cần đoàn kết xung quanh nước và sử dụng nước vì hòa bình, đặt nền móng cho một ngày mai ổn định và thịnh vượng hơn".
Chung tay cùng thế giới để bảo vệ tài nguyên nước, thời gian qua, Việt Nam đã đặc biệt coi bảo vệ và quản lý nguồn nước là một nội dung quan trọng trong các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán của Việt Nam và được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 đánh dấu một bước tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm chất lượng môi trường sống, đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ, phục hồi, phát triển tài nguyên nước.
Song song với việc hoàn thiện các chính sách pháp luật về tài nguyên nước, Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp hiệu quả trên bình diện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, từ khuôn khổ song phương, tiểu vùng, liên khu vực và toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đã tích cực tham gia các cơ chế hợp tác ASEAN về quản lý nguồn nước, hợp tác APEC về ứng phó với thiên tai, đồng sáng kiến Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về quản lý nguồn nước giữa các quốc gia ven sông Mekong và Danube…; tiến hành đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương với các quốc gia có chung nguồn nước về hợp tác, giải quyết tranh chấp, bất đồng và xử lý các vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia, nhất là trong điều kiện Việt Nam phụ thuộc vào việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn.
Cùng với đó, hưởng ứng Ngày Nước thế giới 22/3 hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới trên phạm vi toàn quốc; qua đó, tạo được phong trào hưởng ứng sôi nổi tại các địa phương trên cả nước, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước.
Thời gian tới, trước các diễn biến khó lường của thời tiết và biến đổi khí hậu, nguy cơ Việt Nam xảy ra tình trạng thiếu nước, hạn hán là hiện hữu, đòi hỏi Việt Nam cần tăng cường năng lực dự báo, quan trắc, cảnh báo sớm về tài nguyên nước để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra; đồng thời cần nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và ý thức, nghĩa vụ của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao,… nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt.
Cùng với đó, các cấp Trung ương và địa phương cần tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, chỉ tiêu đảm bảo an ninh tài nguyên nước, chủ động nguồn nước cho các ngành, lĩnh vực: sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, giao thông và các ngành sử dụng nước khác. Tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao chỉ tiêu đảm bảo an ninh tài nguyên nước trong thu gom, xử lý nước thải và thoát nước; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ; vận hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Ngày 1/7/2024, Luật Tài nguyên nước chính thức có hiệu lực, những quy định về quản lý tổng hợp, phân phối, điều hòa nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia… từ đây sẽ "nảy mầm, bám rễ" tạo ra những thay đổi về tư duy, cách tiếp cận trong quản trị tài nguyên nước là cơ sở quan trọng góp phần bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.