Điều tra, tìm kiếm nguồn nước tại vùng núi cao, vùng khan hiếm nước
Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Trung tâm) thực hiện trong 2 giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2023 đã cung cấp nước sạch đảm bảo vệ sinh cho trên 1,44 triệu người dân tại 277 vùng núi cao, vùng khan hiếm nước thuộc 39 tỉnh. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ chuyên môn hoàn thành Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Cung cấp đầy đủ nước sạch đảm bảo vệ sinh
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Hoan, Trưởng ban Điều tra TNN, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TNN quốc gia cho biết, dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” thuộc Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước được Trung tâm triển khai thực hiện từ năm 2015 đến năm 2023.
Với sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ công nhân viên, người lao động của Trung tâm và các đơn vị trực tiếp tham gia thi công Dự án cùng với sự tham gia phối hợp của nhiều cơ quan và chuyên gia trong lĩnh vực TNN dưới đất, đến nay, Dự án đã hoàn thành toàn bộ nội dung, khối lượng các dạng công tác đã được phê duyệt và đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.
Theo ông Hoàng Văn Hoan, kết quả của Dự án đã điều tra, tìm kiếm được các nguồn nước dưới đất, xác định được trữ lượng, chất lượng và lập bản đồ TNN dưới đất tại 277 vùng núi cao, khan hiếm nước trên địa bàn 39 tỉnh triển khai dự án; xác định được các khu vực có triển vọng để thi công các công trình khai thác nước dưới đất; các lỗ khoan khai thác có lưu lượng, chất lượng đảm bảo được kết cấu đủ điều kiện để khai thác bền vững. Cùng với đó, Dự án đã rà soát, cập nhật toàn bộ các tài liệu điều tra cơ bản về TNN dưới đất và các tài liệu liên quan khác trên địa bàn các địa phương triển khai dự án; qua đó khoanh định các vùng có khả năng chứa nước để tiến hành điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, các thành tạo có khả năng chứa nước đã được điều tra ở các vùng khan hiếm nước thuộc các khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ.
Dự án cũng đã đánh giá đầy đủ về hiện trạng chất lượng nguồn nước dưới đất đã được điều tra, tìm kiếm, đảm bảo cấp nước cho ăn uống sinh hoạt cho nhân dân. Theo đó, tổng tiềm năng TNN dưới đất tại các vùng trong phạm vi thực hiện là 2.632.438 m3/ng.
Cụ thể, khu vực Bắc Bộ là 607.325 m3/ng; khu vực Bắc Trung Bộ là 210.613 m3/ng; khu vực Nam Trung Bộ là 318.095 m3/ng; khu vực Tây Nguyên là 685.731 m3/ng; khu vực Nam Bộ là 810.674 m3/ng. Trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất của các khu vực: Bắc Bộ là 215.889 m3/ng; Bắc Trung Bộ là 86.247 m3/ng; Nam Trung Bộ là 98.858 m3/ng; Tây Nguyên là 205.763 m3/ng; Nam Bộ là 120.802 m3/ng. Tổng trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất của các vùng trong phạm vi Dự án là 727.559 m3/ng.
Điểm nổi bật của dự án là đã tạo công trình khai thác bền vững phục vụ cấp nước cho người dân vùng cao, vùng khan hiếm nước. Dự án đã thi công 678 công trình, đủ điều kiện xây dựng 277 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung, thuộc 39 tỉnh. Lưu lượng khai thác công trình dự báo dự báo trên phạm vi các vùng điều tra đạt khoảng 144.245 m3/ng, có thể cung cấp cho khoảng 1,44 triệu người dân (với tiêu chuẩn sử dụng nước 100 lít/người/ngày).
Ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TNN quốc gia cho biết, ngoài những tác động tích cực mang tính lâu dài đối với xã hội, để dự án phát huy hiệu quả cao, nguồn nước sạch nhanh chóng đến với đồng bào ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, trong quá trình triển khai dự án, sau khi tìm kiếm được các nguồn nước dưới đất có trữ lượng lớn, chất lượng nước tốt tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, Trung tâm đã tổ chức bàn giao Hồ sơ kết quả của dự án cho các đơn vị liên quan gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh trong phạm vi dự án để nghiên cứu các giải pháp công nghệ khai thác nước phù hợp, xây dựng kế hoạch khai thác các nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.
Việc đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch đảm bảo vệ sinh mang lại giá trị to lớn đối với người dân, làm giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống của người dân ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, từ đó làm cho cuộc sống người dân dần ổn định, thêm vững tin vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực góp sức trong công cuộc phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội. Ngoài ra, kết quả của dự án góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục hoàn thiện đảm bảo mục tiêu đề ra
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao hiệu quả, tính bền vững của Dự án. Theo đó, Dự án đã được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TNN quốc gia triển khai rất tốt, hoàn thành đầy đủ các nội dung và khối lượng công việc, đáp ứng được mục tiêu đề ra. Kết quả của dự án đã tìm kiếm được các nguồn nước có trữ lượng, chất lượng đảm bảo phục vụ cung cấp nước sạch cho 1,44 triệu người dân tại 277 vùng núi cao, vùng khan hiếm nước thuộc 39 tỉnh đã mang lại ý nghĩa rất lớn trong công tác quản lý nhà nước về TNN, cung cấp các thông tin và định hướng quan trọng phục vụ cho công tác quy hoạch, phát triển KT-XH các vùng. Các số liệu, kết quả của dự án có thể đưa vào cơ sở dữ liệu TN&MT quốc gia để chia sẻ thông tin và sử dụng chung trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng góp ý chi tiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, hồ sơ sản phẩm của Dự án. Hội đồng cũng nhất trí thông qua kết quả Dự án sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa các góp ý của các thành viên Hội đồng trước khi trình phê duyệt.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, Cục trưởng Cục Quản lý TNN Châu Trần Vĩnh đề nghị đơn vị thực hiện nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tiếp tục hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của dự án trước khi trình lãnh đạo Bộ TN&MT xem xét, phê duyệt.