Bảo vệ nguồn sinh thủy phải trở thành chính sách quốc gia
Bởi thế, trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy góp phần làm căn cứ cho việc lập các chiến lược quy hoạch về tài nguyên nước cũng như tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hệ thống hồ đập…
Bảo vệ nguồn sinh thủy trong sửa đổi Luật Tài nguyên nước
Rừng là nguồn sinh thủy, giữ đất, phòng chống sạt lở, điều tiết nguồn nước. Tuy nhiên, rừng đầu nguồn đang bị suy giảm, tình trạng phá rừng ở Việt Nam đã ở mức báo động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 3 năm 2016 – 2018, diện tích rừng bị mất trung bình 2.430ha/năm. Mất rừng làm mất khả năng làm chậm dòng chảy, tăng xói mòn lớp đất bề mặt, tăng bồi lắng, giảm dung tích hữu ích các hồ chứa, tăng nguy cơ lũ lụt, đồng thời làm giảm lượng trữ.
Mặc dù Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy tại Điều 29, việc bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy tập chung chủ yếu vào bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng khác, tuy nhiên Luật không quy định nội dung cụ thể về phát triển nguồn nước và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong bảo vệ phát triển nguồn sinh thủy.
Bên cạnh đó, do Luật chưa có quy định, định nghĩa cụ thể về những hoạt động phát triển tài nguyên nước và kết nối các hoạt động để tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý phát triển tài nguyên nước; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch tài nguyên nước với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch quốc phòng, an ninh nên đã dẫn đến gây lúng túng trong việc thực hiện các biện pháp quản lý, làm ảnh hưởng xấu đến bảo vệ phát triển rừng, hành lang bảo vệ nguồn nước và phần diện tích đất là miền cấp của các tầng chứa nước dưới đất,…
Tài nguyên nước bao gồm các thành phần chính là nước mặt, nước mưa, nước dưới đất và nước biển ven bờ, mặc dù các thành phần này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tuy nhiên để có những giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ nguồn sinh thủy, cần tiếp cận theo từng đối tượng cần bảo vệ. Ngoài ra, rất cần có những giải pháp để tối ưu hóa việc vận hành các kho nước hiện có, tăng khả năng trữ nước của các hồ chứa nước và tăng hiệu quả khai thác sử dụng nước của các ngành, giảm thiểu thất thoát, lãng phí trong quá trình truyền dẫn của các hệ thống cấp nước.
Vì vậy, trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này, Bộ TN&MT đã đề nghị bổ sung, sửa đổi quy định về bảo vệ và phát triển vùng sinh thủy theo hướng bổ sung các quy định cụ thể đối với hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước, trong đó có cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong bảo vệ phát triển nguồn sinh thủy; đề xuất các giải pháp phi công trình và công trình “kho chứa nước” để tích trữ nước nhằm điều hòa nguồn nước giữa các mùa; bảo vệ và phục hồi thảm thực vật, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng khả năng tích trữ nước, giảm thiểu lũ lụt về mùa mưa, tăng nguồn sinh thủy về mùa khô.
Tại Điều 30 Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) về bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy quy định: Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hồ chứa, các dự án khai thác, chế biến khoáng sản và các hoạt động khác có sử dụng hoặc ảnh hưởng đến diện tích rừng phải trồng bù diện tích rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa phải đóng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ vùng sinh thủy thuộc phạm vi lưu vực của hồ chứa theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Nhà nước có cơ chế điều phối, phân bổ nguồn thu từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để đầu tư cho hoạt động bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, bảo vệ nguồn sinh thủy trên lưu vực; có chính sách phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn, đảm bảo công bằng, hợp lý.
Cần quy định cụ thể về bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy và giữ nước
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá: Điều 30 của Dự thảo Luật Tài nguyên nước đã nêu khá nhiều biện pháp để bảo vệ và tăng nguồn sinh thủy. Để các quy định cụ thể, mạnh mẽ hơn, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể về bảo vệ nguồn sinh thủy, trong đó cần coi đây là chính sách quốc gia và đưa vào Điều 4, đó là chính sách của Nhà nước để bảo vệ và gia tăng khả năng trữ nước sinh thủy trong các lưu vực sông.
Đặc biệt, không phải chỉ với các chính sách hiện nay, thời gian tới cần phải mở rộng các chính sách này. Theo đó, các đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng hơn nữa các đối tượng hiện nay đang khai thác, sử dụng nguồn lợi tài nguyên nước đóng góp tương xứng vào Quỹ dịch vụ môi trường rừng để lấy nguồn kinh phí bù đắp cho vấn đề bảo vệ rừng đặc dụng, bảo vệ rừng phòng hộ; hoặc trong quy hoạch các loại rừng, phải làm rõ căn cứ khoa học của việc xác định tỷ lệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng một cách hợp lý để bảo đảm khả năng sinh thủy. Các chính sách này cần có tác dụng động viên, khuyến khích để ngày càng chuyển nhiều rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, có như vậy mới bảo vệ được môi trường, bảo vệ khả năng sinh thủy an toàn cho nguồn nước.
Cùng với đó, cần có các quy định nâng cao hoặc bảo đảm khả năng sinh thủy, giữ nước bằng thảm thực vật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào Điều 10 về công tác điều tra cơ bản, lập các chiến lược quy hoạch về tài nguyên nước, trong đó, bổ sung nội dung điều tra về khả năng giữ nước sinh thủy của thảm thực vật trên từng lưu vực sông, hồ; xác lập các tiêu chuẩn, căn cứ khoa học để xác định diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tối thiểu cho từng vùng, từng khu vực, từng lưu vực cụ thể. Đồng thời, hướng tới mục tiêu lập bản đồ tổng thể quốc gia về vấn đề này để nâng cao hiệu quả quản lý, góp phần làm căn cứ cho việc lập các chiến lược quy hoạch về tài nguyên nước cũng như tăng cường công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hệ thống hồ đập…