Quảng Ngãi: Đưa nước sạch về với người dân vùng cao

Theo: baotainguyenmoitruong.vn
30-09-2024
Chia sẻ In bài viết

Từ sự đầu tư hệ thống các công trình nước sinh hoạt của nhà nước trong những năm qua, hiện tại, nguồn nước đã về với bà con vùng cao ở Quảng Ngãi, góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân ở miền núi của địa phương.

Nước sạch về làng

Năm nay, gia đình anh Đinh Văn Trình ở thôn thôn Ra Nhua, xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây đã được sử dụng nước tận nhà. Không còn cảnh lỉnh kỉnh xô, thùng đi gánh nước ở suối mỗi chiều, giờ chỉ cần vặn vòi là nước chảy về bể, rồi sử dụng bao nhiêu thì sử dụng, không phải lo đang dùng thì hết nước.

Anh Đinh Văn Trình vui mừng cho biết, được Nhà nước đầu tư công trình nước sạch, bà con đã nước để dùng, sinh hoạt thuận lợi, những việc như giặt giũ, vệ sinh trong gia đình, muốn sử dụng lúc nào cũng được.

QuangNgaiDuaNuocSachVeVoiNguoiDan
 Người dân huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) được sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh

“Từ khi có giếng nước sạch, mỗi hộ có một đường ống dẫn nước riêng. Sau khi trang bị mô tơ tại giếng, anh Trình chỉ cần bật công tắc tại nhà là có nước bơm về dùng. Nguồn nước hợp vệ sinh đáp ứng được nhu cầu sử dụng của gia đình, không lo thiếu nước nữa”, anh Trình nói.

Cũng giống như anh Trình, hiện người dân thôn Hy Long, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ cũng vui mừng khi đã chấm dứt cảnh đi gánh nước hàng cây số vừa vất vả, tốn thời gian, nguồn nước lại không bảo đảm vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi thôn đã được đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Thay vì tự đầu tư đường ống kéo nước từ suối về để sử dụng, bây giờ hơn 100 hộ dân trong thôn đã có nước sạch để sử dụng.

Đảm bảo chất lượng công trình

Với mong muốn vừa giải “cơn khát” nước sạch cho người dân, vừa thực hiện chỉ tiêu nước sạch trong xây dựng NTM, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để cấp nước sạch. Trong đó có việc rà soát và đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa, mở rộng mạng lưới các công trình cấp nước sạch. Đồng thời, nâng cao chất lượng, mở rộng khu vực đồng bào miền núi được sử dụng nước hợp vệ sinh, các địa phương thụ hưởng đã triển khai nội dung hỗ trợ của dự án 1 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Người dân vùng đồng bào miền núi trong tỉnh đã được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và nước sinh hoạt tập trung, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, khu vực và cộng đồng cư dân.

Điển hình như huyện Sơn Hà đã phân bổ trên 15,4 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng mới các công trình nước sinh hoạt tập trung ở khu vực 7 xã vùng cao của huyện, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Huyện đã giao UBND các xã chủ động trong việc quản lý, vận hành các công trình nước sinh hoạt một cách hiệu quả nhất. Còn huyện Sơn Tây phân bổ 9 tỷ đồng cho các công trình nước sinh hoạt phân tán tại 2 xã Sơn Liên và Sơn Tân. Trong đó, xã Sơn Liên được đầu tư xây dựng 38 giếng phục vụ nước sinh hoạt cho 92 hộ dân và các cơ quan, tổ chức ở trung tâm xã Sơn Liên; xã Sơn Tân được đầu tư 11 giếng, với 62 hộ đồng bào được thụ hưởng.

QuangNgaiDuaNuocSachVeVoiNguoiDan01
 Công trình nước sạch tập trung tại thôn Hy Long, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ

Tại huyện Ba Tơ, để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng khó khăn về nước, địa phương đã phân bổ trên 18,6 tỷ đồng đầu tư 9 công trình nước sinh hoạt tập trung ở 8 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện, với trên 750 hộ thụ hưởng. Các công trình đã được bàn giao cho các địa phương để vận hành và đưa vào sử dụng. Hiện nay, Phòng NN-PTNT huyện Ba Tơ đã tham mưu UBND huyện xây dựng quy chế quản lý, vận hành các công trình này, đảm bảo tuổi thọ lâu dài cho công trình.

Hàng nghìn hộ dân ở các huyện miền núi trong tỉnh đã không còn cảnh thiếu nước sinh hoạt khi các công trình nước sạch tập trung và nước sạch phân tán đã được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng.

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 513 công trình nước sạch nông thôn, trong đó có tới 90% hoạt động kém hiệu quả, 133 công trình không hoạt động. Ngoài việc rà soát để thực hiện thanh lý các công trình không hiệu quả và tính toán đầu tư xây dựng mới các công trình quy mô lớn, tỉnh cũng ưu tiên bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình nhỏ lẻ nhằm cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Bài viết liên quan

  • Thanh Hóa: Đẩy mạnh thực thi pháp luật về tài nguyên nước
    Thanh Hóa: Đẩy mạnh thực thi pháp luật về tài nguyên nước

    Ngay sau khi Luật Tài nguyên nước (TNN) 2023 có hiệu lực thi hành, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã vào cuộc tích cực nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ TNN với mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước, bảo vệ TNN, phòng chống tác hại do nước gây ra.

    04-10-2024
    Xem chi tiết
  • Cách Singapore giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt
    Cách Singapore giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt

    Singapore, quốc gia không có nguồn nước ngọt tự nhiên, đã thành công trong việc quản lý nước bằng cách phát triển bốn trụ cột cung cấp nước và công nghệ khử muối tiên tiến.

    03-10-2024
    Xem chi tiết
  • Bảo đảm an ninh nguồn nước đồng bằng sông Cửu Long
    Bảo đảm an ninh nguồn nước đồng bằng sông Cửu Long

    Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, vẫn còn 43% người dân nông thôn chưa có nguồn nước hợp quy chuẩn quốc gia sử dụng. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện đang có khoảng 50.000 hộ thiếu nước sạch, phải sử dụng nhiều giải pháp khác nhau để bảo đảm có nước sạch sinh hoạt.

    02-10-2024
    Xem chi tiết