Khung pháp lý mới quản lý hiệu quả tài nguyên nước
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý khai thác và bảo vệ TNN trong Luật Tài nguyên nước, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN và đang trình chờ Chính phủ phê duyệt. Dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn để tháo gỡ điểm nghẽn và giải quyết những vấn đề bất cập trong quản lý TNN, bảo đảm tổng thể, toàn diện và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tăng tính nghiêm minh và khả thi của pháp luật tài nguyên nước
Theo ông Nguyễn Minh Khuyến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, một trong những lý do chính để thúc đẩy việc xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN là sự bất cập trong cách thức xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến TNN. Mặc dù đã có Nghị định 36/2020/NĐ-CP về xử lý vi phạm trong lĩnh vực TNN, nhưng sau hơn 10 năm thi hành, nhiều quy định đã lạc hậu. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc xử lý vi phạm mà còn làm giảm hiệu quả của các biện pháp bảo vệ TNN.
Chỉ ra những bất cập trong thực hiện Nghị định 36/2020/NĐ-CP, ông Nguyễn Minh Khuyến cho rằng, Nghị định 36 chưa quy định rõ việc xác định số lợi bất hợp pháp do tổ chức, cá nhân nào có đủ chức năng, thẩm quyền, trình độ chuyên môn đảm bảo việc thực hiện, dẫn tới việc công chức thi hành công vụ về TNN (thuộc phòng chuyên môn, có chuyên ngành đào tạo được tuyển dụng liên quan lĩnh vực môi trường, TNN) khi phát hiện vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính lại là người tham mưu, xác định số lợi bất hợp pháp.
Hiện nay, việc xác định số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính về TNN theo nội dung hướng dẫn tại điểm r khoản 3 Điều 4 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP đòi hỏi phải có kiến thức chuyên ngành về tài chính – kế toán, có khả năng đọc hiểu sổ sách chứng từ kế toán, có thẩm quyền yêu cầu cung cấp các hồ sơ tài liệu sổ sách tài chính liên quan để rà soát đối chiếu xác định số tiền mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi vi phạm, cũng như các chi phí trực tiếp để khai thác, sử dụng TNN.
Mặt khác, khi chưa thiết lập biên bản vi phạm hành chính, chưa xác định hành vi vi phạm hành chính thì chưa có đủ căn cứ để yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm phối hợp cung cấp các hồ sơ tài liệu liên quan, căn cứ xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực TNN.
Ngoài ra, hiện tình hình khai thác, sử dụng TNN ngày càng diễn biến phức tạp, có nhiều sự tác động bởi các yếu tố như biến đổi khí hậu, nhu cầu tăng cao, sức ép từ các nguồn nước từ nước ngoài… dẫn đến cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn; cần phải chủ động trong công tác xây dựng các quy định pháp luật, đặc biệt đối với các vấn đề mang tính cấp thiết như bảo vệ TNN, hạn chế khai thác nước dưới đất, phòng chống suy thoái, cạn kiệt.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Minh Khuyến, việc ban hành kịp thời, đồng bộ và đầy đủ các văn bản thực hiện Luật Tài nguyên nước 2023, trong đó có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật TNN. Các vi phạm hành chính liên quan đến việc khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN sẽ được điều chỉnh kịp thời hơn, tăng cường tính nghiêm minh và khả thi của pháp luật.
Nhiều điểm mới được quy định trong Dự thảo Nghị định
Chia sẻ về quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN đã được Bộ TN&MT xây dựng với sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan, nhằm đảm bảo tính toàn diện và khả thi của nghị định khi được áp dụng. Dự thảo Nghị định gồm 4 chương và 48 điều.
Dự thảo quy định cụ thể hành vi vi phạm trong 6 lĩnh vực chính, bao gồm điều tra cơ bản, bảo vệ và phục hồi nguồn nước, điều hòa phân phối TNN, vận hành hồ chứa trên lưu vực sông, khai thác và sử dụng TNN, phòng chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, và các vi phạm khác.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, dự thảo Nghị định quy định rõ phạm vi điều chỉnh bao gồm tất cả các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến TNN trên lãnh thổ Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đều phải tuân thủ các quy định này khi hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN.
So với Nghị định cũ, Dự thảo Nghị định lần này đã mở rộng đối tượng xử phạt, không chỉ bao gồm các tổ chức kinh tế lớn mà còn bao gồm các hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư. Điều này thể hiện sự toàn diện và bao trùm của nghị định, nhằm đảm bảo không có hành vi vi phạm nào bị bỏ sót, từ các doanh nghiệp khai thác nước ngầm đến các hoạt động khai thác nước nhỏ lẻ phục vụ sinh hoạt.
Mức xử phạt hành chính được điều chỉnh tăng lên so với quy định hiện hành. Một số hành vi vi phạm nặng như khai thác nước ngầm mà không có giấy phép, sử dụng sai mục đích nguồn nước sẽ bị xử phạt với mức tiền lớn hơn, đồng thời phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Dự thảo cũng quy định rõ các biện pháp xử lý bổ sung như đình chỉ hoạt động, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của môi trường nước bị vi phạm.
Đặc biệt, vấn đề xác định số lợi bất hợp pháp thu được từ việc khai thác TNN trái phép là một trong những điểm mới quan trọng. Thay vì chỉ xử phạt bằng tiền mặt, Dự thảo Nghị định yêu cầu truy thu toàn bộ lợi ích mà tổ chức, cá nhân vi phạm thu được, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Đây là biện pháp răn đe mạnh mẽ, góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm ngày càng phức tạp trong lĩnh vực TNN.
Về thẩm quyền xử phạt, Dự thảo Nghị định phân định rõ thẩm quyền xử phạt của các cơ quan Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương, đảm bảo tính minh bạch và thống nhất trong quá trình thực thi. Thẩm quyền xử phạt không chỉ thuộc về các cơ quan quản lý môi trường mà còn được mở rộng đến các cơ quan khác như Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan thanh tra liên ngành.
Một điểm mới nữa của Dự thảo Nghị định là việc mở rộng thẩm quyền xử phạt cho các cơ quan chức năng ở cấp địa phương, giúp tăng cường hiệu quả giám sát và xử lý vi phạm. Điều này giúp giảm tải cho các cơ quan trung ương và tăng cường tính linh hoạt, kịp thời trong xử lý vi phạm hành chính.
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN là bước tiến quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Với sự toàn diện về phạm vi, đối tượng và biện pháp xử phạt, nghị định không chỉ là công cụ pháp lý mạnh mẽ mà còn thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ TNN trước các thách thức ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên trái phép.