ĐỀ ÁN BẢO VỆ NƯỚC DƯỚI ĐẤT Ở CÁC ĐÔ THỊ LỚN - ĐÔ THỊ TUY HÒA

     Thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) như nhiều đô thị khác ở Việt Nam có nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu khai thác nước dưới đất trong những năm gần đây gia tăng nhanh chóng. Mặt khác, hoạt động khai thác nước dưới đất thiếu kiểm soát, thiếu quy hoạch cũng dẫn đến suy giảm nguồn nước (nhiễm mặn, ô nhiễm, suy giảm mực nước) ảnh hưởng sự phát triển bền vững của đô thị Tuy Hòa.
     Cấp thiết bảo vệ nước dưới đất tại đô thị Tuy Hòa
     Để bảo vệ nước dưới đất ở đô thị Tuy Hòa tránh những nguy cơ về nhiễm mặn, ô nhiễm, suy giảm mực nước do hoạt động khai thác gây ra, cần phải có sự hiểu biết về đặc điểm phân bố, trữ lượng, chất lượng của các tầng chứa nước; hiện trạng hoạt động khai thác nước dưới đất và các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm cho nguồn nước....để từ đó, đề xuất các giải pháp bảo vệ phù hợp với thực tế của đô thị.
     Xuất phát từ các vấn đề trên, Đô thị Tuy Hòa được Bộ TN&MT phê duyệt là 1 trong 8 đô thị thuộc đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn - Giai đoạn II”. Đề án được quản lý bởi đơn vị chủ trì là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, giao cho Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung triển khai và thực hiện ngay từ đầu năm 2020.
     Ngay sau khi nhận được Quyết định giao nhiệm vụ của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung đã tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết cho các dạng công việc thi công của đề án và trình Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phê duyệt. 
Sau đó, Liên đoàn đã bắt tay ngay vào triển khai các công tác thi công như điều tra khảo sát, khoan, bơm nước thí nghiệm….. của đề án. Trong quá trình thực hiện, đề án luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Lãnh đạo Trung tâm, Lãnh đạo Liên đoàn và các phòng ban. Nhờ vậy mà kết quả thi công các dạng công tác luôn đảm bảo tính hiệu quả, chính xác và đáp ứng đúng mục tiêu đề ra. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Liên đoàn trưởng phụ trách cho biết: “Đề án bảo vệ nước dưới đất đô thị Tuy Hòa được Lãnh đạo Liên đoàn xác định là một trong những nhiệm vụ trọng điểm trong năm 2021, do vậy Lãnh đạo Liên đoàn sẽ luôn tạo điều kiện tốt nhất về nhân lực, thiết bị và thời gian cho mục tiêu hoàn thành Đề án với chất lượng cao nhất.
     Bên cạnh đó là việc chỉ đạo, động viên kịp thời với các cán bộ công nhân viên trong suốt thời gian tham gia Đề án. Đồng thời, Liên đoàn luôn có báo cáo với Trung tâm về tiến độ, mức độ hoàn thành và xin ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực Đề án. Do đó, các dạng công tác thực hiện luôn đảm bảo tiến độ và có chất lượng đảm bảo theo yêu cầu chung của toàn Đề án.
     Ông Đặng Văn Quyền, Chủ nhiệm đề án cho biết: “Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là việc xác định được đặc điểm về cấu trúc, diện phân bố, mức độ giàu nghèo của các tầng chứa nước; hiện trạng nhiễm mặn và hiện trạng các nguồn thải ở khu vực Đô thị Tuy Hòa với phạm vi thực hiện bao gồm toàn bộ thành phố Tuy Hòa, một phần các huyện Phú Hòa, Tây Hòa và thị xã Đông Hòa với tổng diện tích 680 km2. 
     Trên cơ sở các dạng công tác đã thiết kế với việc xác định hiện trạng các vấn đề tài nguyên nước dưới đất của đô thị (nhiễm mặn, ô nhiễm, suy giảm mực nước) để từ đó làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp bảo vệ. Với các vấn đặt ra cho đô thị Tuy Hòa và các định hướng cho việc giải quyết các vấn đề là rất khó khăn. Nhận thức được những vướng mắc và khó khăn nên ngay sau khi nhận được quyết định giao nhiệm vụ, Liên đoàn đã lập và trình Trung tâm phê duyệt chi tiết kế hoạch triển khai các dạng công tác nhằm nâng cao hiệu quả của các dạng công tác và nâng cao chất lượng của đề án”.
     Theo kế hoạch, đề án đã tiến hành hàng loạt các dạng công tác ngoài trời (điều tra, đo địa vật lý, khoan, bơm,….) nhằm phục vụ việc đánh giá tài nguyên nước dưới đất, từ điều tra bổ sung đặc điểm các tầng chứa nước, hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất; đo địa vật lý xác định cấu trúc và đặc điểm mặn – nhạt của các tầng chứa nước, đến khoan, bơm nước thí nghiệm để xác định các thông số chuyên môn của các tầng chứa nước thuộc đô thị. Nhìn chung, việc thực hiện các dạng công tác của đề án được thực hiện theo đúng thiết kế, đáp ứng mục tiêu của đề án.
     Đánh giá đặc điểm tài nguyên nước dưới đất một cách tổng quan
     Từ kết quả điều tra thực địa và các tài liệu thu thập, đề án đã tiến hành các công tác nội nghiệp, gồm tổng hợp, phân tích, đánh giá đặc điểm tài nguyên nước dưới đất của khu vực đô thị Tuy Hòa theo các nội dung chính về đặc điểm cấu trúc, điều kiện phân bố, số lượng và chất lượng các tầng chứa nước; hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất nhằm đánh giá được một cách tổng thể đặc điểm tài nguyên nước dưới đất của khu vực. 
     Kết quả công tác khảo sát, đo địa vật lý, khoan – hút nước thí nghiệm đã cho phép xác định được cấu trúc địa chất thủy văn của các tầng chứa nước, cụ thể: vùng đô thị Tuy Hòa có mặt 05 tầng chứa nước, gồm: tầng chứa nước Holocen (qh), Pleistocen (qp), Pliocen – Pleistocen (β(n2-qp)), Miocen (n1), jura dưới - giữa (J1-2). Về cơ bản, các tầng chứa nước này tạo thành hệ thống chứa nước phân lớp theo chiều thẳng đứng, các tầng chứa nước được ngăn cách với nhau bởi các lớp thấm nước yếu, đóng vai trò như mái và đáy cách nước của các tầng chứa nước. Các tầng chứa nước có xu thế vát mỏng ở phía Tây – và chìm sâu hơn ở phía Đông. Kết quả công tác khoan – hút nước thí nghiệm thực hiện trong đề án cùng số liệu thu thập cũng đã làm sáng tỏ các thông số địa chất thủy văn; đặc điểm cung cấp, vận động và thoát của các tầng chứa nước, theo đó, trong 05 tầng chứa nước có 02 tầng chứa nước có áp (qp, n1) còn lại là các tầng chứa nước không áp. Mức độ chứa của các tầng biến đổi theo một xu thế chung ở khu vực phía Đông – Đông Nam (khu vực kéo dài dọc theo đường bờ biển thuộc chủ yếu thành phố Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa) tốt hơn so với phía Tây và Tây – Bắc.
     - Trữ lượng nước dưới đất tại đô thị Tuy Hòa được xác định bằng phương pháp giải tích và phương pháp ứng dụng mô hình. Qua đó, xác định được tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất cho toàn bộ 7 tầng chứa nước của đô thị Tuy Hòa là 664.113 m3/ngày (thời gian tính toán là 10.000 ngày), trong đó phần nước nhạt là 602.325 m3/ngày, chiếm 91% tổng tiềm năng nước dưới đất. Trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất của phần nước nhạt (M < 1,5 g/l) là 206.848 m3/ngày; trong đó, trữ lượng nước nhạt có thể khai thác của hai (02) tầng chứa nước nghiên cứu chính - cần bảo vệ (qh và qp) được xác định theo phương pháp ứng dụng mô hình 183.052 m3/ngày (trong đó tầng chứa nước qh là là 128.868 m3/ngày, chiếm 71%; tầng chứa nước qp là 54.184 m3/ngày, chiếm 29%).
     - Từ kết quả lấy và phân tích mẫu nước của đề án, kết hợp với tài liệu thu thập về chất lượng nước có tổng số 175 mẫu nước toàn diện, 243 mẫu vi lượng, 222 mẫu nhiễm bẩn, 29 mẫu vi sinh.  Kết quả các mẫu nước được tổng hợp và so sánh với các thông số giới hạn theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT đã cho phép đánh giá được đặc điểm chất lượng nước dưới đất của khu vực. Nhìn chung, nước dưới đất của các tầng chứa nước ở khu vực đô thị Tuy Hòa có diện phân bố hẹp và khả năng chứa nước kém và đã có dấu hiệu ô nhiễm hợp chất nitơ tại khu vực ven biển. Trong đó, có 02 tầng chứa nước Holocen (qh) và Pleistocen (qp) có diện tích phần nước nhạt chiếm chủ yếu diện tích của đô thị, chất lượng nước cũng cơ bản đáp ứng yêu cầu về sử dụng cho ăn uống sinh hoạt và một số mục đích khác. Đó là lý do, hai tầng chứa nước này được xác định là các tầng chứa nước chính cần bảo vệ của đô thị Tuy Hòa. Đặc biệt, tầng chứa nước Pleistocen có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu cấp nước cho ăn uống, sinh hoạt;
     Ở đô thị Tuy Hòa hiện nay hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước có tổng số 41.896 công trình khai thác nước dưới đất với tổng lưu lượng khai thác là 50.618,6 m3/ngày. Trong đó, có 03 công trình khai thác tập trung quy mô lớn với tổng lưu lượng khai thác 1.200 m3/ngày; 416 công trình khai thác đơn lẻ với tổng lưu lượng 12.132,6 m3/ngày; 41.567 công trình khai thác nông thôn với tổng lưu lượng 37.286 m3/ngày. Theo đơn vị hành chính, thành phố Tuy Hòa có tổng lượng khai thác 7.778,3 m3/ngày, chiếm 15,3%; thị xã Đông Hòa 12.482,6 m3/ngày, chiếm 24,7%; huyện Phú Hòa khai thác 11.334,6 m3/ngày, chiếm 22,4%; huyện Tây Hòa 19.023,1, chiếm 37,6% . Các tầng chứa nước khai thác chính là tầng chứa nước Holocen với tổng lưu lượng 44.578,5 m3/ngày (chiếm 88%); các tầng chứa nước còn lại khai thác với tổng lưu lượng 6.040,1 m3/ngày (chiếm 12%);
     Về hiện trạng các nguồn xả thải và nguy cơ gây nhiễm bẩn cho nguồn tài nguyên nước: đã tổng hợp được 05 loại hình nguồn thải, gồm: 02 bãi chôn lấp chất thải; 02 bãi rác; 05 điểm trung chuyển; 117 nghĩa trang; 563 điểm xả thải. Trong đó, khả năng gây ô nhiễm từ các nguồn thải như sau: 01 bãi chôn lấp khả năng gây ô nhiễm cao; 01 bãi chôn lấp khả năng gây ô nhiễm trung bình; 02 bãi rác khả năng gây ô nhiễm cao; 05 điểm trung chuyển rác khả năng gây ô nhiễm trung bình; 03 nghĩa trang khả năng gây ô nhiễm cao; 77 nghĩa trang khả năng gây ô nhiễm trung bình; 37 nghĩa trang gây ô nhiễm thấp; 02 điểm xả thải khả năng gây ô nhiễm cao; 561 điểm khả năng gây ô nhiễm trung bình. Tuy nhiên, các nguồn thải này cũng được đánh giá là ít có nguy cơ gây ô nhiễm cho các tầng chứa nước chính cần bảo vệ, vì chúng là chúng được ngăn cách với các tầng chứa nước được bảo vệ bởi lớp thấm nước yếu trên bề mặt và các tập thấm nước yếu thuộc tầng chứa nước.
     Chỉ ra nguy cơ nhiễm mặn và ô nhiễm tại khu vực phía đông của đô thị
     Trên cơ sở các đặc điểm của hệ thống tài nguyên nước đã điều điều tra, đánh giá như trên, đề án đã tiến hành việc phân tích, đánh giá hiện trạng các nguồn tài nguyên nước này và xác định được các vấn đề cần bảo vệ của các tầng chứa nước chính. Các vấn đề cần bảo vệ tài nguyên nước dưới đất là nguy cơ nhiễm mặn và ô nhiễm tại khu vực phía đông của đô thị. Các tầng chứa nước cần bảo vệ gồm tầng chứa nước Holocen (qh) và tầng chứa nước Pleistocen (qp), cụ thể:
     Nhiễm mặn nước dưới đất: Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen có diện tích 408,2 km2, trong đó phần nhiễm mặn 23,6 km2 (chiếm 5,8%) phân bố ở cửa sông Đà Rằng và sông Bàn Thạch. Với đặc điểm và hiện trạng nhiễm mặn của tầng chứa nước đã đánh giá nguy cơ nhiễm mặn cho tầng chứa nước được chia làm 3 khu vực gồm: khu vực có nguy cơ ô nhiễm thấp diện tích 351,5 km2 phân bố chủ yếu ở phía tây của đô thị thuộc huyện Phú Hòa và Tây Hòa; khu vực nguy cơ nhiễm mặn trung bình diện tích 31,4 km2 phân bố thành 03 khoảnh riêng biệt dọc theo ranh mặn ở khu vực phía đông của đô thị Tuy Hòa thuộc xã Bình Kiến, Bình Ngọc, P.1, P.3, P.5 (Tp.Tuy Hòa); P. Hòa Hiệp Trung, Hòa hiệp Nam, Hòa Xuân Đông (Tx. Đông Hòa); khu vực nguy cơ nhiễm mặn cao với diện tích 1,7 km2 phân bố dạng chỏm nhỏ nằm sát ranh mặn của tầng chứa nước qh thuộc xã Hòa An (H. Phú Hòa). 
     Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp) có diện tích 484,7 km2 với diện tích nhiễm mặn 118,4 km2 (chiếm 24,4%) phân bố ở phía đông của đô thị và kéo dài dọc theo đường bờ biển từ khu vực xã An Phú (Tp. Tuy Hòa) cho đến xã Hòa Tâm (Tx. Đông Hòa). Từ hiện trạng nhiễm mặn và với đặc điểm của tầng chứa nước đã đánh giá và dự báo nguy cơ nhiễm mặn cho tầng chứa nước được chia làm 03 khu vực gồm: khu vực có nguy cơ nhiễm mặn thấp có diện tích 335,6 km2 phân bố ở phía tây đô thị Tuy Hòa, thuộc huyện Phú Hòa và Tây Hòa; khu vực có nguy cơ nhiễm mặn trung bình có diện tích 30,5 km2 phân bố dạng dải dọc ranh giới nhiễm mặn của tầng qp ở trung tâm và phía bắc đô thị thuộc xã Bình Kiến, P. 8, P. 9 (Tp.Tuy Hòa); xã Hòa Trị, Hòa An (H. Phú Hòa) xã Hòa Tân Đông (H. Đông Hòa); khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao có diện tích 1,4 km2 phân bố dạng chỏm nhỏ cạnh ranh giới mặn của tầng chứa nước qp thuộc xã Hòa An và Hòa Trị (H. Phú Hòa).
     Ô nhiễm nước dưới đất: Ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất được đánh giá trên cơ sở kết quả phân tích mẫu nước so sánh với giá trị giới hạn (GTGH) theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 09 MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất.
     Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen (qh) Nhóm các hợp chất Nitro: Hàm lượng NO3- có tỷ lệ vượt là 9,4% số mẫu và NH4+ là 2,6% số mẫu, phân bố thành 6 vùng ở Tp. Tuy Hòa (xã Bình Kiến, các phường 3, 4, 6, 8, 9); xã Hòa Định Đông, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), tổng diện tích 25,1 km2. Dấu hiệu ô nhiễm các hợp chất nitro có thể do xả nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư.
     Nhóm nguyên tố vi lượng: Có dấu hiệu ô nhiễm dạng điểm nguyên tố Cr và Mn (0,5% số mẫu) tại xã Bình Ngọc (Tp.Tuy Hòa) và xã Hòa Bình 2 (huyện Tây Hòa).
     Nhóm vi sinh: Có dấu hiệu ô nhiễm dạng điểm chỉ tiêu với Coliform 5% số mẫu tại xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa).
Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp) Nhóm các hợp chất Nitro: Hàm lượng NO3- có tỷ lệ vượt GHCP là 6,7% số mẫu và NH4+ có tỷ lệ vượt là 3,3% số mẫu; ô nhiễm dạng điểm tại xã Hòa Quang Bắc, Hòa Thịnh Đông (huyện Phú Hòa).
     Nhóm nguyên tố vi lượng: Các chỉ tiêu Cd, Cr và Mn có 2,5% số mẫu vượt GTGH, phân bố rải rác tại xã Hòa Kiến (Tp.Tuy Hòa), xã Hòa Mỹ Tây (H. Tây Hòa).
     Nhóm vi sinh: Có 1 mẫu có chỉ tiêu Coliform vượt GTGH (14,3% mẫu) tại xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa).
     Ông Đặng Văn Quyền khẳng định: Đô thị Tuy Hòa được chọn là một trong 8 đô thị thành phần của đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn – Giai đoạn II” đã cho thấy sự đúng đắn, cần thiết. Đề án đã có kết quả giải quyết được mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra trên cơ sở rà soát, thu thập, bổ sung, cập nhật và hệ thống hóa lại toàn bộ cơ sở dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi toàn đô thị từ trước đến nay. Bên cạnh đó là việc điều tra đánh giá chi tiết về đặc điểm của các tầng chứa nước. Kết quả đã cho phép những hiểu biết đúng và đầy đủ về tài nguyên nước của đô thị bao gồm: cấu trúc, số lượng, chất lượng của các tầng chứa nước hiện hữu theo đó là hiện trạng khai thác và các vấn đề tài nguyên nước chịu ảnh hưởng của hoạt động khai thác; tác động tiêu cực của các nguồn thải đến tầng chứa nước. Kết quả đánh giá về hiện trạng tài nguyên NDĐ có độ tin cậy cao, phù hợp với những hiểu biết chung về khu vực”.
Từ những hiểu biết về tài nguyên nước của đô thị tuy Hòa đã cho phép xác định được các vấn đề chính cần bảo vệ đối với tài nguyên nước dưới đất của đô thị nói riêng và khu vực nói chung là nhiễm mặn, ô nhiễm. Từ các hiểu biết này và các vấn đề tài nguyên nước đang phải đối mặt sẽ cho phép đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ nước dưới đất một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nước, phát triển bền vững tài nguyên nước đồng thời phục vụ hữu ích cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đô thị.
     Ông Đặng Văn Quyền cũng cho biết thêm, các giải pháp bảo vệ nước dưới đất của đô thị Tuy Hòa sẽ được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, các nhà khoa học tiến hành xem xét, đánh giá, góp ý. Trên cơ sở đó, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung sẽ xem xét, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện trước khi bàn giao cho địa phương để ứng dụng. Đồng thời, ông cũng tiết lộ, những giải pháp bảo vệ này sẽ được sớm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian tới nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về hiệu quả thực hiện của dự án, cũng như cho phép các giải pháp này có thể được xem xét, ứng dụng tại các khu vực khác của toàn quốc có điều kiện tương tự về tài nguyên nước như khu vực đô thị Tuy Hòa.
     Lãnh đạo Trung Tâm  và chủ nhiệm đề án kiểm tra thực địa công tác điều tra và chọn vị trí thi công lỗ khoan TH1

kiemtra1.jpg
mien-trung1.jpg


     Một số hình ảnh thi công dự án:
 

th33ct.jpg
th46ct.jpg
th145ct.jpg
th162ct.jpg
th166ct.jpg

 

z2533591794949-3b45a2e0d417d4ff70110ff3fab4811e.jpg

 

z2533591811474-281d5b2101cf7c3642d9ea49013ff113.jpg

 

Bài viết liên quan