Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

dwrm.gov.vn
12-03-2024
Chia sẻ In bài viết

     Chiều 11/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp và ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Cơ quan soạn thảo chủ trì cuộc họp.

chilan.jpg
Bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu tại cuộc họp

     Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 27/11/2023 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo đó, Luật giao Chính phủ hướng dẫn 21 điều, khoản.
     Ngày 08/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 6 tại Quyết định số 19/QĐ-TTg, trong đó giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng 02 Nghị định trình Chính phủ ban hành trước ngày 15/4/2024 và 03 Thông tư phải ban hành trước 15/5/2024. 
     Dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định chi tiết khoản 3 Điều 31, Điều 52, khoản 5 Điều 53, khoản 6 Điều 69 và Điều 70 của Luật Tài nguyên nước về việc cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; việc kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thẩm quyền, trình tự, thủ tục, kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất; việc nộp, miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; dịch vụ về tài nguyên nước.
     Dự thảo Nghị định bao gồm 05 chương với 58 điều, cụ thể như sau: Chương I –  Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 2); Chương II – Kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước (từ Điều 3 đến Điều 28); Chương III – Hành nghề khoan nước dưới đất và dịch vụ về tài nguyên nước (từ Điều 29 đến Điều 40); Chương IV -Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (từ Điều 41 đến Điều 56); Chương V – Điều khoản thi hành (từ Điều 57 đến Điều 58).
     Báo cáo nội dung về kê khai, đăng ký, cấp phép; thủ tục hành chính, biểu mẫu báo cáo của dự thảo Nghị định, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, về cơ bản các quy định về đăng ký, cấp phép được kế thừa từ Nghị định số 02/2023/NĐ-CP, ngoài ra có bổ sung mới một số trường hợp kê khai, đăng ký, cấp phép, tạm dừng có thời hạn hiệu lực của giấy phép thăm dò, khai thác nước ma Luật Tài nguyên nước 2023 quy định.

honghieu.jpg
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu báo cáo tại cuộc họp

     Về hành nghề khoan nước dưới đất, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Hiếu, qua thực tiễn triển khai các quy định hiện hành cho thấy các quy định vẫn thực thi ổn định, chưa có ý kiến nào của tổ chức, nhân hoặc cơ quan quản lý địa phương về điều chỉnh quy định này. Do đó, dự thảo Nghị định tiếp tục kề thừa các quy định hiện hành về hành nghề khoan nước dưới đất.
     Ngoài ra, qua rà soát, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định đã bổ sung mới quy định về thủ tục trả lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất để phù hợp với hiện trạng thực tế, nhu cầu tổ chức, cá nhân khi không có nhu cầu hành nghề khoan nước dưới đất.
    Về dịch vụ về tài nguyên nước, đây là một nội dung hoàn toàn mới trong Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, trong đó quy định các dịch vụ về tài nguyên nước bao gồm: (1) Dịch vụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước; và (2) Dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa. Theo đó, dự thảo nghị định đã quy định về các nội dung nêu trên đảm bảo tinh thực thi: quy định điều kiện chung về dịch vụ về tài nguyên nước; điều kiện của tổ chức cung cấp dịch vụ về tài nguyên nước; yêu cầu về nhân lực, cơ sở hạ tầng của tổ chức cung cấp dịch vụ về tài nguyên nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong cung cấp, sử dụng dịch vụ về tài nguyên nước đảm bảo trong quá trình thực thi.
     Về quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tính đúng, tính đủ giá trị tài nguyên nước, về cơ bản dự thảo Nghị định tiếp tục kế thừa các quy định về tiền cấp quyền theo Luật tài nguyên nước 2012 (trên cơ sở kế thừa các quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP và Nghị định số 41/2021/NĐ-CP), ngoài ra dự thảo Nghị định này đã bổ sung thêm các quy định tính và thu tiền cấp quyền đối với các trường hợp Luật tài nguyên nước 2023 quy định bổ sung.

quangcanh.jpg
quangcanh2.jpg
quangcanh3.jpg
Quang cảnh cuộc họp

     Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Hiếu chia sẻ, so với Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Tài nguyên nước 28/2023/QH15 (Điều 69, Điều 86) đã bổ sung mới quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với mục đích sinh hoạt (được thực hiện từ 1/7/2025) và thu tiền theo lộ trình đối với sản xuất nông nghiệp (cùng thời điểm thu tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khi Nhà nước không thực hiện chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về giá); đối tượng được miễn tiền cấp quyền (khai thác nước để cấp cho sinh hoạt của người dân khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn); đối tượng giảm tiền cấp quyền (công trình phải cắt, giảm lượng nước khai thác hoặc tạm dừng có thời hạn hiệu lực của giấy phép; khai thác, sử dụng tuần hoàn, tái sử dụng nước; khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Hồ chứa đã vận hành phải điều chỉnh, bổ sung dung tích phòng lũ cho hạ du so với nhiệm vụ của hồ chứa đã được phê duyệt).
     Vì vậy, trên cơ sở kế thừa các quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP và Nghị định số 41/2021/NĐ-CP, dự thảo Nghị định này đã bổ sung thêm các quy định tính và thu tiền cấp quyền đối với các trường hợp như trên để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực thi Luật Tài nguyên nước.
     Cùng với đó, dự thảo Nghị định cũng quy định 10 nội dung chuyển tiếp theo pháp luật hiện hành về: trường hợp phải kê khai, đăng ký, cấp phép; cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
     Ngoài ra, có 05 phụ lục của dự thảo Nghị định gồm: Phụ lục I về mẫu đơn, giấy phép, đăng ký, kê khai và nội dung đề án, báo cáo trong hồ sơ cấp phép tài nguyên nước, tạm dừng có thời hạn hiệu lực của giấy phép thăm dò nước dưới đất, khai thác tài nguyên nước việc khai thác tài nguyên nước; Phụ lục II về mẫu hành nghề khoan nước dưới đất; Phụ lục III về mẫu kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Phụ lục IV mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Phụ lục V về các hệ số điều chỉnh.
     Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đánh giá cao nội dung dự thảo và nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định. Các ý kiến phát biểu cũng tập trung vào sự cần thiết ban hành Nghị định; đối tượng, phạm vi điều chỉnh đối với dự thảo Nghị định; sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Nghị định với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
     Các ý kiến thẩm định cũng góp ý một số nội dung cụ thể tại dự thảo Nghị định về: làm rõ quy định kê khai, đăng ký, cấp phép, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm các yêu cầu về biểu mẫu báo cáo và thời gian thẩm định hồ sơ cấp phép, đặc biệt là đối với các công trình thủy lợi đã vận hành trước ngày Luật Tài nguyên nước năm 2012;  các quy định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; rà soát quy định chất lượng nước; làm rõ nguồn lực tài chính thực hiện đối với một số nội dung quy định tại dự thảo;….
     Báo cáo giải trình các nội dung phát biểu góp ý của Hội đồng thẩm định, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu bày tỏ cảm ơn những ý kiến phát biểu sâu sắc của các thành viên hội đồng đối với dự thảo Nghị định. Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, quá trình xây dựng Nghị định bảo đảm các quan điểm và nguyên tắc chỉ quy định chi tiết những điều, khoản mà Luật đã giao cho Chính phủ. Bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất với pháp luật về tài nguyên nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan; Kế thừa, giữ lại những quy định còn phù hợp, khắc phục những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác có liên quan và những vấn đề vướng mắc phát sinh, tồn tại trong thực tiễn khi áp dụng các quy định của Luật tài nguyên nước 2012.
     Đối với các quy định về thủ tục hành chính trong nội dung Nghị định bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và minh bạch. Đơn giản hoá thủ tục hành chính; giảm các yêu cầu về biểu mẫu báo cáo, số lượng, thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian thẩm định và linh hoạt phương thức nộp hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước giữa bộ, ngành và địa phương, gắn phân cấp, phân quyền với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, phân quyền.
     Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể các trường hợp đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện, khả thi, thuận lợi cho các ngành, các cấp, các cơ quan, các lực lượng và đặc biệt là các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước trong thực thi quy định pháp luật về tài nguyên nước, đồng thời nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân.
     Giải trình về nội dung đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, kinh phí bảo đảm thực hiện Nghị định do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện Nghị định không làm phát sinh chi chí về nguồn nhân lực, tài chính so với việc thực hiện Luật Tài nguyên nước do vẫn thực hiện các công việc theo quy định của Luật Tài nguyên nước. Việc sử dụng kinh phí cho công tác thi hành pháp luật về tài nguyên nước đúng mục đích, nội dung, chế độ và định mức chi theo quy định của pháp luật về các chế độ chi tiêu tài chính.

chilan2.jpg
Bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu kết luận cuộc họp

     Tại cuộc họp, bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp đã tổng hợp ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng và đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các thành viên; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo đảm bảo tiến độ trình Chính phủ đúng thời hạn như quy định.

Bài viết liên quan