Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2023

baotainguyenmoitruong.vn
08-03-2024
Chia sẻ In bài viết

     Ngày 8/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2023. Bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp và ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – Đại diện cơ quan soạn thảo chủ trì cuộc họp.

z5230749211749-e9fcb024d24e733e6ca272e031bcf881.jpg
Bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu tại cuộc họp

     Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo đó, Luật giao Chính phủ hướng dẫn 21 điều, khoản.
     Sau khi Luật được Quốc hội thông qua, ngày 08/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 6 tại Quyết định số 19/QĐ-TTg, trong đó đối với lĩnh vực tài nguyên nước, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng 2 Nghị định trình Chính phủ ban hành trước ngày 15/4/2024 và xây dựng 3 Thông tư phải ban hành trước 15/5/2024.
     Đối với Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, Chính phủ được giao hướng dẫn 16 nội dung, bao gồm: Quy định chi tiết Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia (Khoản 9 Điều 7); Quy định chi tiết hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước và quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước (Khoản 5 Điều 9 của Luật); Quy định chi tiết về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước (Khoản 6 Điều 10); Quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh và danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch (Khoản 5 Điều 17); Quy định chi tiết việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh (Khoản 6 Điều 19);

z5230739923536-7745d7c91b0900fb540acc10057010cd.jpg
Quang cảnh cuộc họp

     Quy định chi tiết việc xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; quy định nguồn nước phải cắm mốc giới hành lang bảo vệ và việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước (Khoản 9 Điều 23); Quy định chi tiết ngưỡng khai thác nước dưới đất (Khoản 4 Điều 30); Quy định chi tiết việc khoanh định, công bố, điều chỉnh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (Khoản 5 Điều 31); Quy định chi tiết việc Điều hòa, phân phối tài nguyên nước (Khoản 8 Điều 35); Quy định chi tiết việc chuyển nước lưu vực sông và trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước (Khoản 3 Điều 37); Quy định chi tiết việc xây dựng quy trình vận hành, điều kiện yêu cầu vận hành theo thời gian thực và quy chế phối hợp vận hành hồ chứa trên bậc thang thủy điện (Khoản 10 Điều 38);
     Quy định đối tượng, quy mô, chế độ, thông số, chỉ tiêu quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước, chất lượng nước và lộ trình thực hiện (Khoản 3 Điều 51); Quy định chi tiết ao, hồ, đầm phá không được san lấp (K10 Điều 63); Quy định chi tiết đánh giá tác động và phương án thực hiện để bảo vệ, phòng chống, sạt, lở lòng bờ bãi sông (Khoản 6 Điều 66); Quy định chi tiết Hạch toán tài nguyên nước và lộ trình thực hiện (Khoản 5 Điều 71); Quy định chi tiết việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra và quy định tổ chức và hoạt động của tổ chức lưu vực sông (Khoản 5 Điều 81).

z5230736604707-ffce90ec791682f7130d9fe113fb764a.jpg
Các đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định

     Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu, trên cơ sở các nội dung được giao trong Luật cùng với các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước và các pháp luật có liên quan, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã xây dựng dự thảo các Nghị định song song với việc xây dựng Luật và hoàn thiện sau khi Luật được thông qua.
    Theo đó, ngày 18/12/2023, Bộ TN&MT đã tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập để thảo luận, góp ý để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo. Ngày 28/12/2023, dự thảo (lần 2) của Nghị định đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định và gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Hội, Hiệp hội và tổ chức chính trị – xã hội có liên quan và các tổ chức, cá nhân có khai thác, sử dụng nước lớn.
     Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 88/99 ý kiến phản hồi góp ý trong đó: Có 19/21 Bộ và cơ quan ngang Bộ có văn bản góp ý, trong đó có 05 Bộ nhất trí đối với nội dung của dự thảo; Có 62/63 địa phương có văn bản góp ý, trong đó có 06 địa phương nhất trí với nội dung của dự thảo; Có 7/15 ý kiến góp ý của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp. 
     Cũng theo Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Hiếu, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành dự thảo (lần 3) Nghị định và đã trình Bộ Tư pháp để tổ chức buổi họp thẩm định hôm nay.

z5230736584620-9affca4fc75ca58d1646f25d293144a1.jpg
Các đại biểu góp ý kiến cho dự thảo Nghị định

     Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã nêu ý kiến đối với dự thảo Nghị định, trong đó tập trung vào sự cần thiết ban hành Nghị định; đối tượng, phạm vi điều chỉnh đối với dự thảo Nghị định; sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Nghị định với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
     Các ý kiến thẩm định cũng góp ý một số nội dung cụ thể tại dự thảo Nghị định về: cơ sở đề xuất phân bổ, các nguồn chi cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước (Điều 9); quy định về tổ chức lưu vực sông; các quy định về cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi; Rà soát, điều chỉnh Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp (Điều 62); Quy định về vận hành hồ chứa theo thời gian thực; thời hạn thực hiện các thủ tục hành chính tại một số nội dung nêu tại dự thảo Nghị định; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Nghị định, nếu trong dự thảo Nghị định có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành nghị định; ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản;…

z5230736597197-e812d0b46d86a035f779b656870bf803.jpg
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu tại cuộc họp

     Báo cáo giải trình các nội dung phát biểu góp ý của Hội đồng thẩm định, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến phát biểu góp ý đối với dự thảo Nghị định. Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cho biết, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất với Luật Tài nguyên nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan; kế thừa, giữ lại những quy định còn phù hợp tại các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, khắc phục những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, chỉ quy định chi tiết những điều, khoản mà Luật đã giao cho Chính phủ.
     Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cho rằng, các quy định về thủ tục hành chính trong nội dung Nghị định bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và minh bạch. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể những nội dung còn tồn tại, vướng mắc trong các Nghị định quy định chi tiết Luật Tài nguyên nước năm 2012 và phù hợp với các quy định của Luật tài nguyên nước năm 2023, đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện, khả thi, thuận lợi cho các ngành, các cấp, các cơ quan và đặc biệt là các tổ chức cá nhân khai thác sử dụng nước trong thực thi quy định pháp luật về tài nguyên nước, đồng thời nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
     Tại cuộc họp, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp đã tổng hợp ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng và đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các thành viên; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo đảm bảo tiến độ trình Chính phủ đúng thời hạn như quy định.

Bài viết liên quan