Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì họp đánh giá công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại Yên Bái

Theo: baotainguyenmoitruong.vn
12-09-2024
Chia sẻ In bài viết

Tối 11/9, đồng chí Đỗ Đức Duy – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chủ trì cuộc họp Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để đánh giá công tác khắc phục hậu quả thiên tai đến thời điểm này và bàn các giải pháp triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả trong thời gian tiếp theo.

Dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 2 huyện Văn Yên, Lục Yên.

Công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả đang triển khai tích cực, đến ngày 11/9 sau khi lũ trên sông Hồng, sông Chảy bắt đầu rút, công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả đang được triển khai tại các địa phương. Cơ bản các điểm xung yếu, khó tiếp cận đến nay các lực lượng cũng đã tiếp cận, hỗ trợ nhu yếu phẩm đến với người dân. Ngành điện đã cấp điện cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng như cấp điện cho một số nơi trên địa bàn huyện Trấn Yên cũng như một số địa phương khác.

Tuy nhiên, trên một số tuyến đường truyền tải điện 110 KV trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đến móng cột. Công ty Điện lực Yên Bái cũng đã huy động lực lượng để khắc phục, đồng thời đảm bảo an toàn và cấp điện cho nhân dân sớm nhất.

BTBoTNMTDGiaKPhucHQThienTai01
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn phát biểu tại cuộc họp

Việc cung ứng xăng dầu cũng được đảm cho hoạt động cứu trợ, chuẩn bị các thiết bị vận chuyển, kho chứa và sẵn sàng cung cấp xăng dầu cho các địa phương có nhu cầu; nguồn hàng thiết yếu cũng tương đối dồi dào, bảo đảm. Trong lĩnh vực thông tin – truyền thông cũng đang tích cực tuyên truyền trên báo chí, cung cấp thông tin thiết yếu và cập nhật thông tin cho người dân.

Công tác khắc phục các trạm phát sóng BTS của các nhà mạng cũng đang được tiến hành. Khoảng 69% số trạm đã được khắc phục. Một số doanh nghiệp viễn thông cũng tham gia hỗ trợ ứng cứu thông tin, tuy nhiên chất lượng mạng vẫn tiếp tục khắc phục từ 2G lên 3G.

Công tác hỗ trợ an sinh xã hội cũng đang được triển khai, thống kê các thiệt hại, ưu tiên những hộ gặp khó khăn, tiếp tục kết nối các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ cho người dân những nơi bị cô lập.

Công tác thường trực cấp cứu người bị thương tại các cơ sở y tế cũng như tiếp cận các trạm y tế bị cô lập để hỗ trợ, khắc phục để hoạt động trở lại đang được tiến hành. Ngành y tế đã tổ chức việc phun khử trùng, vệ sinh cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng tại thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên; khảo sát nhu cầu vật tư khử trùng nguồn nước cho người dân.

BTBoTNMTDGiaKPhucHQThienTai02
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc phát biểu ý kiến tại cuộc họp

Đối với tuyến quốc lộ 37 đoạn qua thành phố Yên Bái, một số đoạn vẫn bị ngập úng, sạt lở đất, ngành giao thông đang tiếp tục khắc phục để thông tuyến. Còn tuyến quốc lộ 70 hiện cũng đang sạt sụt lớn, các phương tiện giao thông chưa thể di chuyển, tuyến đường Đông Hồ hiện nước hồ Thác Bà đã rút, thông tuyến lên tới trung tâm huyện Lục Yên. Ngành giao thông cũng đang tiến hành kiểm tra, đánh giá độ an toàn những cầu bắc qua sông Hồng, sông Chảy.

Chỉ đạo việc cấp nước liên tục phục vụ cho người dân dọn rửa vệ sinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai đánh giá các điểm có nguy cơ bị sạt lở cũng như việc di dời các hộ dân bị ảnh hưởng; tổ chức kiểm tra các công trình nước sạch, các nguồn nước hợp vệ sinh để sửa chữa, cấp nước lại cho người dân sử dụng.

Tiếp tục sửa chữa các công trình thủy lợi để phục vụ việc cấp nước cho sản xuất. đồng thời thành lập các đoàn hỗ trợ các địa phương khôi phục sản xuất. Đánh giá hiện trạng việc sạt lở chân cột phát sóng của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh cũng như đưa ra các giải pháp để đảm bảo an toàn cho phát sóng hoạt động lâu dài.

Đối với MTTQ và các đoàn thể đã và đang kêu gọi việc hỗ trợ từ các địa phương, tổ chức, cá nhân ủng hộ các mặt hàng cứu trợ; vận động hội viên tổ chức nấu cơm cấp phát cho người dân và lực lượng tham gia ủng hộ, huy động lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; tiếp nhận được gần hơn 19 tỷ đồng từ 32 tổ chức cá nhân, đón nhận 56 đoàn cứu trợ vận chuyển hàng hóa phân phát tới các địa phương.

BTBoTNMTDGiaKPhucHQThienTai03
Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu huyện Văn Yên, Lục Yên

Các địa phương bị ảnh hưởng nặng như Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái tiếp tục rà soát các điểm sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân; đề nghị ngành điện, ngành viễn thông sớm khắc phục sự cố trên địa bàn để đảm bảo hoạt động ổn định; sớm hỗ trợ huyện rọ đá, khắc phục thông các tuyến đường giao liên xã, đường nông thôn.

Quan tâm tìm đất bố trí tái định cư cho các hộ có nhà bị sập, nằm trong vùng nguy hiểm buộc phải di dời; kịp thời hỗ thăm hỏi động viên những hộ có người chết, bị thương, bị sập đổ hoàn toàn; đề nghị khắc phục việc vỡ đê ở Trấn Yên để cứu những diện tích dâu có thể phục hồi.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các địa phương tập trung khắc phục các tuyến đường giao thông, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm nhất; xem xét đánh giá các công trình cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng do thiên tai. Các tổ chức hội, đoàn thể huy động lực lượng tham gia hỗ trợ khắc phục thiên tai, tiếp nhận hỗ trợ.

Quan tâm đến việc tìm đất bố trí tái định cư cho người dân bị sập nhà hoặc phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. hỗ trợ các trường học về sửa chữa phòng học, bàn ghế, đồ dùng dạy học và có các chính sách hỗ trợ phù hợp để các em học sinh có thể quay lại trường học

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với nhiều các làm sáng tạo, chủ động, khoa học đã mang lại kết quả cao. Tỉnh Yên Bái đã nhận được sự chia sẻ của cả nước để khắc phục những hậu quả của thiên tai.

BTBoTNMTDGiaKPhucHQThienTai04
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Đồng chí Bộ trưởng đề nghị tỉnh tập trung vào việc cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích, di dời người dân ra khỏi khu vực an toàn và chưa cho phép các hộ dân đã di dời ra khỏi vùng nguy hiểm trở về nhà khi chưa đảm bảo an toàn; tiếp tục theo dõi cao trình hồ Thủy điện Thác Bà để xem xét đưa các hộ dân đã di dời trở về nhà; quan tâm chăm lo hậu sự cho những người bị thiệt hại do thiên tai, chăm sóc y tế cho người bị thương; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người yếu thế, người bị ảnh hưởng do thiên tai, quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; điều phối khoa học, hợp lý các nguồn lực hỗ trợ cho người dân.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị khẩn trương thực hiện công tác đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc để thực hiện tốt công tác chỉ đạo điều hành, cứu hộ; đảm bảo cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như: điện, nước, xăng dầu và thông tin liên lạc; hót dọn sụt sạt, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nước sinh hoạt nhất là tại những nơi công cộng như trường học, trạm y tế…

Triển khai ngay chính sách hỗ trợ nhà ở, đất tái định cư cho người dân; kiểm tra hiện trạng các ngôi nhà bị sụt sạt để đảm bảo an toàn cho người dân trước khi quay trở lại nhà. Khôi phục lại cơ sở hạ tầng, đảm bảo giao thông bước 1, các công trình thủy lợi, công trình nước sạch, công trình thoát nước, nhất là những nơi bị ngập lụt, hạ tầng đô thị.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị tỉnh quan tâm thực hiện việc hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản để chuyển đổi cây trồng cho phù hợp; tập trung đảm bảo an ninh, an toàn, an dân, hỗ trợ an sinh xã hội; sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường cho người dân trong thời gian nhanh nhất.

Tỉnh cần thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về công tác chỉ đạo khắc phục thiên tai của tỉnh, đảm bảo thông tin, tuyên truyền 2 chiều.

Về lực lượng, tỉnh cần huy động tối đa các lực lượng như: quân đội, công an, thanh niên, lực lượng giáo viên…; huy động máy móc, phương tiện của các doanh nghiệp và từ người dân tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.

Bài viết liên quan

  • Thanh Hóa: Đẩy mạnh thực thi pháp luật về tài nguyên nước
    Thanh Hóa: Đẩy mạnh thực thi pháp luật về tài nguyên nước

    Ngay sau khi Luật Tài nguyên nước (TNN) 2023 có hiệu lực thi hành, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã vào cuộc tích cực nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ TNN với mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước, bảo vệ TNN, phòng chống tác hại do nước gây ra.

    04-10-2024
    Xem chi tiết
  • Cách Singapore giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt
    Cách Singapore giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt

    Singapore, quốc gia không có nguồn nước ngọt tự nhiên, đã thành công trong việc quản lý nước bằng cách phát triển bốn trụ cột cung cấp nước và công nghệ khử muối tiên tiến.

    03-10-2024
    Xem chi tiết
  • Bảo đảm an ninh nguồn nước đồng bằng sông Cửu Long
    Bảo đảm an ninh nguồn nước đồng bằng sông Cửu Long

    Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, vẫn còn 43% người dân nông thôn chưa có nguồn nước hợp quy chuẩn quốc gia sử dụng. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện đang có khoảng 50.000 hộ thiếu nước sạch, phải sử dụng nhiều giải pháp khác nhau để bảo đảm có nước sạch sinh hoạt.

    02-10-2024
    Xem chi tiết