Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh gặp mặt đội ngũ trí thức, nhà khoa học ngành Tài nguyên và Môi trường
Chiều 18/1, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cùng Thứ trưởng Lê Công Thành và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã gặp mặt các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (miền Bắc) và lắng nghe ý kiến đóng góp để ngành tài nguyên và môi trường phát triển hơn nữa đóng góp vào sự phát triển chung đất nước.
Tham dự buổi gặp mặt có sự tham dự của GS.TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS Trần Thục, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Chủ tịch Hội Khí tượng thuỷ văn Việt Nam; GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam; GS.TS Trần Đình Hoà, Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam; GS.TS Phạm Thị Hương Lan, Viện trưởng Viện thuỷ văn, môi trường và Biến đổi khí hậu, trường Đại học Thuỷ lợi; GS.TS Võ Chí Mỹ, Phó Chủ tịch hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam; GS.TSKH Phạm Hoàng Hải, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đông đủ của gần 400 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (miền Bắc).
Thông tin tại buổi gặp mặt, PGS.TS Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong hơn 20 năm qua, những đóng góp của đội ngũ tiến sĩ đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận: Hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược được cơ bản hoàn thiện đồng bộ trên tất cả 9 lĩnh vực của Ngành; công tác điều tra cơ bản tài nguyên được tăng cường, góp phần nắm chắc số lượng, chất lượng, tiềm năng, nguồn lực tài nguyên để quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả và hạch toán trong nền kinh tế; công tác bảo vệ môi trường đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, chuyển từ tư duy bị động ứng phó, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi môi trường, các hệ sinh thái của quốc gia; chủ động hội nhập với xu thế chung toàn cầu về môi trường, khí hậu; chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai ngày càng được nâng lên với đủ độ chi tiết, tiệm cận với trình độ của các nước phát triển.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của ngành tài nguyên và môi trường, đội ngũ tiến sĩ Bộ đã phát triển nhanh về số lượng, trưởng thành một bước về chất lượng và có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển của ngành tài nguyên và môi trường nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
Nhìn chung, Bộ Tài nguyên và Môi trường có đội ngũ tiến sĩ lớn về số lượng, phần lớn được đào tạo bài bản, chuyên môn sâu, với lực lượng trẻ, nhiệt huyết đang làm việc ở các đơn vị, trường đại học và viện nghiên cứu. Hiện nay là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thế hệ cán bộ nghiên cứu, một số cán bộ giàu kinh nghiệm, chuyên gia giỏi được đào tạo tại Nga và các nước Đông Âu không còn công tác tạo nên sự thiếu hụt cán bộ nghiên cứu trình độ cao ở một số lĩnh vực… Trong khi đó đội ngũ tiến sĩ trẻ kế cận có trình độ cao nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Do vậy, trước bối cảnh thế giới, hội nhập của đất nước rất cần huy động chất xám của đội ngũ tiến sĩ, các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng và đất nước nói chung để đáp ứng được sự kỳ vọng lớn đặt ra.
Tại buổi gặp mặt, Đánh giá cao chương trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức một buổi để đội ngũ tri thức của ngành tài nguyên và môi trường có cơ hội để gặp gỡ, chia sẻ thông tin, các GS.TS Mai Trọng Nhuận; GS.TS Trần Thục; GS.TS Đặng Kim Chi; GS.TS Trần Đình Hoà; GS.TS Phạm Thị Hương Lan; GS.TS Võ Chí Mỹ; GS.TSKH Phạm Hoàng Hải; GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã chia sẻ kinh nghiệm, “hiến kế” những giải pháp trong các lĩnh vực địa chất môi trường, biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, biển và hải đảo… để lãnh đạo Bộ cũng như lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ xem xét để đề ra định hướng phát triển trong thời gian tới.
Theo các nhà khoa học, với vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của đất nước, ngành tài nguyên và môi trường cần tăng cường hơn nữa phát triển đội ngũ cán bộ, nhà khoa học để đóng góp nhiều hơn nữa những kiến thức, tri thức của mình, “hiến kế” cho các cấp quản lý, tham mưu cho lãnh đạo bộ hoạch định chiến lược phát triển. Trong đó, cần xây dựng chính sách nhằm thu hút, trọng dụng đội ngũ tiến sĩ với các kế hoạch nghiên cứu dài hạn; Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng lộ trình dài hạn phát triển các trường đại học, viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, đặc biệt là có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường, viện, các cơ quan chuyên môn để “đặt hàng” và đưa ra các sản phẩm khoa khoa học có tính chuyên sâu, gắn với thực tiễn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thế giới rất phát triển về khoa học công nghệ, bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần đầu tư xây dựng hạ tầng về công nghệ, cơ sở dữ liệu để truyền tải được thông tin từ số liệu biến thành kiến thức phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt, nhấn mạnh sự động viên lớn nhất của các nhà khoa học, trí thức là những sản phẩm khoa học có được cơ hội áp dụng, sử dụng trong thực tiễn vừa phục vụ trong công việc cũng rút ra kinh nghiệm để hoàn chỉnh sản phẩm hơn nữa. Do vậy, các Giáo sư, Phó Giáo sư, tiến sĩ mong muốn lãnh đạo Bộ có thể đồng hành và tạo điều kiện đưa những kiến thức, trí tuệ của các nhà khoa học có thể đóng góp vào sự phát triển chung của ngành, của đất nước.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, khoa học – công nghệ cùng với giáo dục – đào tạo sẽ là mục tiêu, động lực hàng đầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng tới sự phát triển bền vững.
Ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức của ngành tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định rằng, đội ngũ trí thức có một vị trí và vai trò rất quan trọng không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển của quốc gia dân tộc. Trong hoạt động khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đóng vai trò động lực đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong ngành tài nguyên và môi trường.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá những đóng góp của đội ngũ tiến sĩ và mong muốn tiếp tục nhân rộng việc phát huy trí thức, tài năng, trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học để giải quyết các vấn đề cấp bách đặt ra cho Bộ luôn là mục tiêu hàng đầu gắn với sự phát triển ngành tài nguyên và môi trường trong những năm tiếp theo.
Chỉ ra những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2024 và những năm tiếp theo về xây dựng thể chế, chính sách; xây dựng các cơ sở dữ liệu của quốc gia, của ngành; nghiên cứu các giải pháp để tiết kiệm năng lượng, biến rác thải thành tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu… Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng khoa học, tri thức sẽ mở ra những con đường về chia sẻ, về kết nối, sáng tạo cũng như động lực phát triển cho mỗi cá nhân, do đó đồng tình với ý kiến rằng những đề tài lớn chia ra sẽ nhỏ, nhiều nhà khoa học cùng làm việc nhỏ sẽ “thêu dệt” được một bức tranh lớn, đẹp về khoa học công nghệ của ngành tài nguyên và môi trường
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, khoa học – công nghệ cùng với giáo dục – đào tạo sẽ là mục tiêu, động lực hàng đầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng tới sự phát triển bền vững. Do vậy, những thành quả của tri thức và khoa học tiến bộ, sẽ được Lãnh đạo Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn đồng hành, hợp tác, chia sẻ để có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển của ngành tài nguyên và môi trường nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với các Tiến sĩ của Bộ Tài nguyên và Môi trường: