An ninh nguồn nước trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của Đắk Lắk
Để phát triển bền vững ngành nông nghiệp và trở thành vựa nông sản của toàn vùng Tây Nguyên, việc đảm bảo an ninh nguồn nước là vấn đề cấp thiết và cũng là chiến lược đã được Đắk Lắk xác định cụ thể.
Bắt đầu từ các công trình thủy lợi “then chốt”
Mặc dù có hệ thống sông, suối, ao hồ khá dày nhưng do địa hình dốc nên khả năng trữ nước tổng thể của Đắk Lắk kém. Điều này đã dẫn một bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà. Vào mùa khô, Đắk Lắk thường thiếu nguồn nước dự trữ để phục vụ tưới cho cây trồng.
Trước thực trạng đó, ngoài hàng trăm công trình thủy lợi vừa và nhỏ đã được đầu tư xây dựng thì Đắk Lắk cũng có nhiều công trình trọng điểm quốc gia đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đầu tư như các hồ chứa: Ea Súp thượng, Krông Búk hạ, Krông Pách thượng, Ea H’leo 1…
Một trong những công trình tiêu biểu đang dần phát huy hiệu quả rất tốt phải kể đến là hồ chứa Krông Búk hạ nằm ở huyện Krông Pắc. Công trình được khởi công xây dựng vào cuối năm 2005, với tổng số vốn đầu tư trên 2 nghìn tỷ đồng từ trái phiếu của Chính phủ. Hồ chứa Krông Búk hạ do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Ban 8 – Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư. Đây là công trình thủy lợi trọng điểm thuộc nhóm A2 quốc gia, lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và lớn thứ nhì ở Tây Nguyên.
Theo thiết kế, hồ Krông Búk hạ có dung tích chứa 116 triệu m3 nước, đáp ứng năng lực tưới tiêu cho 11.400 ha cây trồng các loại và cung cấp nước sinh hoạt cho 72.000 hộ dân. Đồng thời, hồ còn có tác dụng phòng, chống lũ lụt ở khu vực hạ lưu hằng năm, nuôi trồng thủy sản và cải tạo cảnh quan môi trường… cho huyện Krông Pắc và một phần huyện Ea Kar.
Tháng 5/2014, khi hồ chứa nước Krông Búk hạ hoàn thành và được đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả lớn cho nhân dân trong vùng. Đáng chú ý nhất là từ sản xuất lúa một vụ thì huyện Krông Pắc đã tăng lên thành hai vụ. Ngoài ra, có khoảng 11.400 ha cây trồng các loại nhận được nguồn nước tưới từ công trình này. Hằng năm, đập Krông Búk hạ còn giúp địa phương giảm bớt thiên tai hạn hán, lũ lụt.
Một công trình khác là hồ chứa nước Ea H’leo 1 ở huyện Ea H’leo, được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư xây dựng năm 2017. Hồ có dung tích thiết kế gần 26 triệu m3. Khi đưa vào vận hành, hồ chứa sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng 5.000 ha cây trồng. Đồng thời, hồ còn là nguồn cấp nước sinh hoạt cho 10.000 người dân sinh sống trong vùng dự án.
Hiện nay, hồ chứa nước Ea H’leo 1 đã được hoàn thành giai đoạn l. Bước đầu, hồ phát huy hiệu quả cắt giảm và điều tiết lũ cho hạ du và góp phần hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Khi hoàn thành, hồ Ea H’leo 1 sẽ vận hành để điều tiết sông Ea H’leo. Hồ sẽ cấp nước tưới ổn định cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Từ đó, đẩy mạnh phát triển những vùng chuyên canh lớn về cây trồng và nâng cao đời sống nhân dân.
Đầu tư đúng vào các công trình trọng điểm
Hiện nay ở Đắk Lắk, phần diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới bởi các công trình thủy lợi chiếm chưa tới 30%. Tỉnh vẫn còn hàng trăm nghìn héc-ta chưa được tưới tiêu đầy đủ. Đây cũng là những vùng thường xuyên bị hạn hán, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Do đó, việc xây dựng các công trình để tích trữ điều hòa nước trong mùa mưa và phân phối đủ nguồn nước phục vụ cho mùa khô rất quan trọng.
Theo đánh giá , hiện nay các công trình thủy lợi trọng điểm đã và đang góp phần rất lớn cho việc bảo đảm an ninh nguồn nước và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, các công trình này sẽ là hạ tầng vô cùng quan trọng để Đắk Lắk kết hợp tổ chức các hoạt động khác như: cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho các khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch, điều hòa khí hậu…
Thời gian qua, Bộ NN – PTNT đã tập trung đầu tư nhiều hồ chứa vào khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là Đắk Lắk. Hiện tại, Bộ đang giao Ban 8 thực hiện một số dự án quan trọng như: Hồ chứa nước Krông Pắc thượng (giai đoạn 1 và giai đoạn 2); Công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr (giai đoạn 2); Hệ thống kênh mương hồ Ea H’leo 1. Các dự án đang gặp trở ngại trong giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trong buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk mới đây đã nhấn mạnh các công trình thủy lợi do Bộ NN-PTNT tại Đắk Lắk có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cũng như với. “Đặc biệt, các công trình này bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống và sự phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh!”- Thứ trưởng khẳng định.
Theo đó, đối với công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr giai đoạn 2, hệ thống kênh mương hồ Ea H’leo 1, tỉnh Đắk Lắk đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn để phục vụ thi công. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các công trình thủy lợi đi vào hoạt động.
Theo Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Đắk Lắk là địa phương được ưu tiên đưa vào xây dựng các hồ chứa lớn còn lại như Ea Khal và Krông Năng./.