Họp Hội đồng thẩm định kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình

 13-11-2024

Sáng 13/11, tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước đã tham dự cuộc họp Hội đồng thẩm định kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Cuộc họp do Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức và ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước; đại diện các đơn vị khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, theo quy định tại khoản 5 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 thì “Hằng năm, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông và tổ chức khác có liên quan xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh".

XDKichBanNguonNuocLVSHong-ThaiBinh-1804x2048
Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu

Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TN&MT tổ chức nhiều cuộc họp để nghiên cứu, thống nhất các phương pháp tiếp cận, xây dựng Kịch bản nguồn nước cho lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Đến nay, dự thảo kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình đã hoàn thiện.

Vì vậy, Bộ TN&MT tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định này để lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý, các đơn vị có khai thác sử dụng nước trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình làm cơ sở đầy đủ để tiếp tục hoàn thiện nội dung, hồ sơ sản phẩm trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo ông Châu Trần Vĩnh, kịch bản nguồn nước cho lưu vực sông Hồng – Thái Bình là cơ sở để các ngành có khai thác, sử dụng nước và các địa phương trong lưu vực sông xây dựng, điều chỉnh kế hoạch khai thác, sử dụng nước, từ đó sẽ chủ động được cơ cấu mùa vụ, cây trồng,… chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước, dư thừa nước từ sớm, từ xa và hạn chế được các thiệt hại.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo kịch bản nguồn nước cho lưu vực sông Hồng – Thái Bình cho biết, dự thảo Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình được xây dựng trên cơ sở quy định tại Điều 35 Luật Tài nguyên nước 2023; Nghị quyết số 141/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình thời thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hiện trạng nguồn nước mặt, nước dưới đất, hiện trạng tích trữ nước trong các hồ chứa trên lưu vực, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nhận định xu thế diễn biến lượng mưa, lượng dòng chảy, mực nước trong các tầng chứa nước và thông tin, số liệu do các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trên lưu vực và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước lớn, quan trọng trên lưu vực cung cấp.

XDKichBanNguonNuocLVSHong-ThaiBinh02-1657x2048
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia báo cáo tại cuộc họp

Theo đó, về phạm vi tính toán, đánh giá xây dựng kịch bản được phân chia dựa trên cơ sở phân vùng quy hoạch trong Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình thời thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kỳ công bố Kịch bản được tính toán, đánh giá trong mùa cạn 2024-2025 (từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025).

Ông Nguyễn Ngọc Hà cũng cho biết, điểm mấu chốt của kịch bản nguồn nước cho lưu vực sông Hồng – Thái Bình là xác định được trạng thái của nguồn nước, trạng thái của nguồn nước phản ánh khả năng của nguồn nước và mức độ đáp ứng các nhu cầu khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông. Đây chính là cơ sở quan trọng để đưa ra cảnh báo, định hướng, xây dựng phương án và thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình.

Theo tính toán trong dự thảo kịch bản, nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trong kỳ công bố kịch bản, tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025 vào khoảng 9.701 triệu m3 (nước dưới đất chiếm khoảng 7,2% nước mặt chiếm khoảng 92,8%), trong đó lưu vực sông Đà là 811 triệu triệu m3, lưu vực sông Thao khoảng 665 triệu m3, lưu vực Cầu – Thương khoảng 1.580 triệu m3, lưu vực Lô – Gâm 1.016 triệu m3 và đồng bằng Sông Hồng khoảng 5.630 triệu m3.

So với năm 2024 nhu cầu khai thác sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình trong năm 2025 cũng như trong kỳ công bố kịch bản có xu thế giảm khoảng 0,34%. Trong các vùng sử dụng nước, vùng đồng bằng sông Hồng – Thái Bình vẫn là khu vực có khả năng sử dụng nhiều nước nhất. Trong khi đó, về mặt cơ cấu sử dụng nước, không có sự thay đổi đáng kể nào giữa các ngành dùng nước, trong đó nhu cầu cho tưới vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất khoảng 65% tổng nhu cầu sử dụng nước, tiếp đến là thủy sản với 20% tổng nhu cầu và thấp nhất là chăn nuôi với khoảng 1% tổng nhu cầu dùng nước.

Trên cơ sở kết quả dự báo xu thế diễn biến nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất, khí tượng thủy văn trên các lưu vực sông Hồng – Thái Bình, nhu cầu sử dụng nước, yêu cầu về nguồn nước trên lưu vực phục vụ cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp,….và các yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, dự thảo kịch bản cũng đưa ra dự báo.

Theo đó, các tháng cuối năm 2024 và đến tháng 6/2025, về tổng thể nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng, nguồn nước trên các lưu vực sông, tiểu lưu vực sông Hồng – Thái Bình cơ bản sẽ đáp ứng đủ các nhu cầu sử dụng nước và nguồn nước sẽ ở trạng thái bình thường, lượng nước có thể khai thác đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội; đảm bảo đầy đủ lượng nước cho các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tiểu vùng, tiểu lưu vực, một số xã, huyện thuộc các địa phương như Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang và Bắc Giang vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ và nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ có khả năng thiếu nước ở các tiểu vùng là năng lực lấy nước và số lượng của các công trình khai thác, công trình, hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ. Đối tượng chịu ảnh hưởng các vùng này chủ yếu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.

XDKichBanNguonNuocLVSHong-ThaiBinh03-1536x862
Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao kết quả tính toán xây dựng kịch bản nguồn nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình của đơn vị chủ trì xây dựng. Các thành viên Hội đồng cũng đã phát biểu, góp ý chi tiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung kịch bản nguồn nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình trong đó tập trung vào việc xem xét, nghiên cứu kéo dài kỳ công bố; bổ sung số liệu tính toán diễn biến nguồn nước cho sát với nhu cầu thực tế…. Hội đồng cũng nhất trí thông qua dự thảo kịch bản sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa các góp ý của các thành viên hội đồng trước khi trình phê duyệt.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng đã nghiên cứu tài liệu một cách nghiêm túc để đưa ra những ý kiến đóng góp rất chi tiết, mang tính chất xây dựng cho dự thảo kịch bản nguồn nước cho lưu vực sông Hồng – Thái Bình đảm bảo chất lượng, hiệu quả góp phần quan trọng trong quản lý, điều hoà phân phối và khai thác tài nguyên nước trên lưu vực sông

Ông Châu Trần Vĩnh cho biết, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ phối hợp với các Trung tâm Quy hoạch Điều tra tài nguyên nước quốc gia và các đơn vị liên quan tiếp thu toàn bộ các ý kiến, góp ý của các thành viên Hội đồng sớm chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo kịch bản để trình phê duyệt đúng thời hạn đề ra.