Khủng hoảng nước đe dọa tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực toàn cầu

 18-10-2024

Nếu không có các biện pháp quyết liệt, cuộc khủng hoảng nước có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm ít nhất 8% vào năm 2050, đồng thời đe dọa đến 50% sản lượng lương thực thế giới.

KhungHoangNuoc01
Nếu không có các biện pháp quyết liệt, cuộc khủng hoảng nước có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm ít nhất 8% vào năm 2050, đồng thời đe dọa đến 50% sản lượng lương thực thế giới

Ngày 17/10, Ủy ban Kinh tế Nước toàn cầu (GCEW) đã công bố báo cáo “Kinh tế của nước: Đánh giá chu trình thủy văn như một tài sản chung toàn cầu”, đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về cuộc khủng hoảng nước hiện nay.

Báo cáo chỉ rõ, nếu không có các biện pháp quyết liệt, cuộc khủng hoảng này có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm ít nhất 8% vào năm 2050, đồng thời đe dọa đến 50% sản lượng lương thực thế giới.

Theo GCEW, hiện một nửa dân số toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, và con số này có thể tiếp tục gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu. Khoảng 2 tỷ người không có điều kiện tiếp cận nguồn nước uống an toàn, và 3,6 tỷ người thiếu các dịch vụ vệ sinh cơ bản. Đáng báo động, mỗi ngày có tới 1.000 trẻ em tử vong do không được tiếp cận nước sạch.

Báo cáo nhấn mạnh, vào cuối thập kỷ này, nhu cầu nước ngọt trên thế giới sẽ vượt xa nguồn cung thực tế tới 40%, đặt hệ thống cung cấp nước toàn cầu dưới sức ép “chưa từng có”. GCEW cảnh báo, nếu cuộc khủng hoảng nước không được giải quyết, đến năm 2050, kinh tế toàn cầu có thể giảm 8% GDP, trong khi ở các nước nghèo, con số này có thể lên tới 15%.

KhungHoangNuoc02
Báo cáo nhấn mạnh, vào cuối thập kỷ này, nhu cầu nước ngọt trên thế giới sẽ vượt xa nguồn cung thực tế tới 40%

Ngoài ra, tình trạng thiếu nước sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Điều này thể hiện rõ qua tình trạng bất thường ở nhiều lưu vực sông lớn trên thế giới. Trong khi khu vực Amazon đang trải qua đợt hạn hán chưa từng có trong lịch sử, thì nhiều khu vực ở châu Âu và châu Á lại đang đối mặt với các trận lũ lụt nghiêm trọng.

Ủy ban Kinh tế nước toàn cầu GCEW cũng nhấn mạnh, các chính phủ cần hợp tác để thiết lập các mục tiêu chung về quản lý nguồn nước bền vững, đồng thời bảo đảm đầu tư vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam, đồng chủ tịch GCEW, cho rằng: “Chúng ta cần đặt ra các mục tiêu toàn cầu về sự bền vững của nguồn nước”. Ông cũng nhấn mạnh rằng, tiến trình đạt được một hiệp ước nước toàn cầu có thể mất nhiều năm nhưng cần phải khởi động ngay từ bây giờ.