Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã chú trọng đầu tư hệ thống cung cấp nước sinh hoạt nông thôn để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số. Ngày càng có thêm nhiều những công trình nước sạch góp phần mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Chị Đinh Thị Hà, người dân làng Quao, xã Nghĩa An, huyện Kbang, chia sẻ, hơn 4 năm trước, khi có công trình cấp nước sinh hoạt, cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn: “Trước đây, chúng tôi thường phải đi xa để lấy nước, nhiều khi còn phải dùng nước không đảm bảo vệ sinh. Từ khi có hệ thống nước sạch, cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi rất nhiều. Chúng tôi không còn lo lắng về nguồn nước nữa, và sức khỏe cũng được cải thiện”.
Không chỉ ở làng Quao, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai cũng đã được hưởng lợi từ các công trình nước sinh hoạt tập trung do nhà nước đầu tư. Anh Đinh Phát, ở làng Hway, xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ, phấn khởi chia sẻ: “Trước kia dùng nước giọt rất xa, bà con đi gùi nước rất khó khăn. Được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện để nước được dẫn tới tận nhà để bà con tắm, giặt giũ rất là thuận lợi”.
Gia Lai là tỉnh có diện tích rộng, địa hình phức tạp, dân số thưa và có rất đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Do vậy tỉnh rất khó trong việc đầu tư những công trình cấp nước sinh hoạt tập trung để cải thiện điều kiện sống cho người dân. Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, địa bàn vùng sâu của tỉnh Gia Lai, thông tin.
“Vừa qua, được sự quan tâm của tỉnh và các ngành trong tỉnh đã đầu tư Công trình cấp nước với mục tiêu cấp nước cho trên 1.800 hộ dân, 7.400 nhân khẩu. Công trình đã được hoàn thành và bàn giao sử dụng, bước đầu đã phát huy hiệu quả rất là lớn, các mục tiêu ban đầu đề ra đã đạt. Đến nay, tình hình nước sinh hoạt của người dân xã Đông, xã Nghĩa An và các vùng lân cận được đảm bảo, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của vùng cũng như cả huyện Kbang”- ông Sơn thông tin.
Đến nay tỉnh Gia Lai có khoảng 160 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, làng hoạt động hiệu quả. Các công trình này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa. Để các công trình nước sạch nông thôn phát huy hiệu quả một cách bền vững, ông Nguyễn Văn Danh, cán bộ phụ trách các dự án nước sạch thuộc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết: "Đơn vị chủ đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý vận hành công trình. Chúng tôi sẽ thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ nguồn nước, rà soát bảo trì, bảo dưỡng thiết bị và tuyến đường ống để tránh hiện tượng thất thoát nước, nhằm đem lại hiệu quả tốt hơn".