Đưa nước sạch về vùng khan hiếm – Bài 1: Nỗ lực “xóa khát” ở vùng cao, vùng sâu

 02-09-2024

Để giải quyết nước sinh hoạt cho vùng khan hiếm nước nói chung, đặc biệt là cho vùng sâu, vùng cao nói riêng, mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”.

Giải quyết nước sinh hoạt cho vùng khan hiếm nước nói chung, đặc biệt là cho vùng sâu, vùng cao nói riêng là vấn đề mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trong suốt thời gian qua. Mặc dù, nước ta đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn như: Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Chương trình 134); Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đồng bằng khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135); Chương trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn… nhưng vấn đề cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho người dân ở các vùng khan hiếm nước còn chưa được giải quyết triệt để và gặp rất nhiều khó khăn. Liên quan đến nội dung này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm hai bài viết: “Đưa nước sạch về vùng khan hiếm”.

Bài 1: Nỗ lực “xóa khát” ở vùng cao, vùng sâu

Để giải quyết nước sinh hoạt cho vùng khan hiếm nước nói chung, đặc biệt là cho vùng sâu, vùng cao nói riêng, mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” với 3 Dự án: “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”; “Nghiên cứu các giải pháp khoa học, công nghệ và chính sách nhằm quản lý, bảo vệ nguồn nước dưới đất, xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”; “Xây dựng hệ thống cấp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện được đánh giá là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần giải quyết lâu dài tình trạng thiếu nước sạch cho đồng bào dân tộc.

*Ưu tiên xây dựng các công trình nước sạch ở Tuyên Quang

Thời gian gần đây, ngoài việc đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, tỉnh Tuyên Quang còn tập trung ưu tiên xây dựng các công trình nước sạch ở vùng sâu, vùng xa nhằm bảo đảm nguồn nước sinh hoạt sạch, hợp vệ sinh theo quy chuẩn. Thông qua các chương trình, dự án từ nhiều nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Năm 2023, xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang được Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” tài trợ xây dựng 3 giếng khoan phục vụ nước sạch cho người dân. Trong đó, 2 công trình được thực hiện tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nhân Lý, phục vụ nước sạch cho hơn 400 học sinh và cán bộ, giáo viên.

Cô giáo Nguyễn Thị Quyên, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Nhờ công trình nước sạch, Nhà trường đã có nhiều bình nước lọc được đưa đến tận lớp học để đảm bảo cho các cháu không phải mang nước đến trường. Trên khu vực trường cũng đã đặt rất nhiều vòi nước để phục vụ nước sạch cho các cháu.”

Tại xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, công trình nước sạch do Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” thực hiện từ năm 2021 cũng góp phần giúp người dân nơi đây cải thiện được tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô.

Ông Hà Trọng Quang, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, đơn vị được thụ hưởng từ dự án cho hay: “Từ tháng Giêng, tháng 2 đến mùa khô, lượng nước trên địa bàn xã ít dần, đối với giếng khoan của Trạm y tế thì hầu như đến các tháng trên cũng cạn kiệt hết vì không có nước. Khi dự án này được đưa vào hoạt động, việc thiếu nước tại Trạm y tế đã chấm dứt, cán bộ và bệnh nhân đến khám đã có đủ nước sạch để sử dụng”.

Theo ông Ma Văn Cường, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, thông qua Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”, huyện Chiêm Hóa được đầu tư 7 mũi khoan giếng ở 3 xã: Tân An, Nhân Lý và Hòa An. Các mũi khoan đều hoạt động rất tốt, góp phần tăng tỷ lệ tiêu chí hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, giúp cho các xã về đích nông thôn mới trên địa bàn huyện.

* Hiệu quả từ các công trình nước sạch vùng sâu Gia Lai

DuaNuocSachVeVungKhanHiemB101
Hệ thống xử lý nước sinh hoạt của Nhà máy cấp nước xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai được đầu tư bài bản.
Ảnh: Hoài Nam – TTXVN

Trong những năm gần đây, hàng trăm công trình nước sạch đã được tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng, mang lại nguồn nước mát lành đến với người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Tính đến nay, tỉnh Gia Lai có 285 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, làng, trong đó có 161 công trình cấp nước tự chảy và 124 công trình bơm dẫn. Việc đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình nước sạch không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Gia đình chị Đinh Thị Say ở làng Quao, xã Nghĩa An, huyện Kbang từng phải vật lộn tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô hạn. Từ khi công trình cấp nước độc lập cho khu vực liên xã Đông và xã Nghĩa An công suất 1.000 m3/ngày đi vào hoạt động tháng 11/2020, gia đình chị Say cùng 1.800 hộ dân trong khu vực đã có được nguồn nước sạch ổn định.

Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, Gia Lai, được sự quan tâm của các ngành trong tỉnh, huyện Kbang đã đầu tư công trình cấp nước liên xã Đông và xã Nghĩa An, cho trên 1.800 hộ dân và 7.400 nhân khẩu. Công trình đã được hoàn thành và bàn giao sử dụng, bước đầu đã phát huy hiệu quả, đạt các mục tiêu ban đầu đề ra. Đến nay, tình hình nước sinh hoạt của người dân xã Đông, xã Nghĩa An và các vùng lân cận được đảm bảo, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện Kbang.

Không chỉ ở huyện Kbang, người dân xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ cũng được hưởng lợi từ các công trình nước sạch. Công trình nước sạch gần 500 m3/ngày đêm ở xã Hà Tam đã giúp cho hơn 600 hộ dân thoát khỏi cảnh sử dụng nước giếng bị nhiễm vôi, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
 

DuaNuocSachVeVungKhanHiemB102
Nước sạch đã về tới từng hộ dân khu vực xã Đông và xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. 
Ảnh: Hoài Nam – TTXVN

Ông Đặng Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ, Gia Lai cho biết, xã Hà Tam có làng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư công trình nước sạch tự chảy. Riêng đối với các thôn người Kinh chủ yếu sử dụng nước giếng nhưng chất lượng nước không tốt do lượng vôi cao. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ công trình nước sạch, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể.

Theo Chủ nhiệm Dự án, Tiến sỹ Hoàng Văn Hoan, Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” đã đạt được các kết quả chính như: Điều tra, tìm kiếm được các nguồn nước dưới đất, xác định được trữ lượng, chất lượng tại 277 vùng núi cao, khan hiếm nước trên địa bàn 39 tỉnh triển khai dự án; xác định được các khu vực có triển vọng; thi công các công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng, chất lượng đảm bảo được kết cấu đủ điều kiện để khai thác bền vững. Đồng thời, đánh giá được tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất là trên 2,6 triệu m3/ngày đêm và tổng trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất là trên 727 nghìn m3/ngày đêm tại các vùng trong phạm vi thực hiện Dự án./.

Bài cuối: Xã hội hóa các dự án đầu tư cấp nước