Lượng tuyết thấp trên dãy Himalaya làm tăng nguy cơ đối với an ninh nguồn nước

 27-06-2024

     Nhiều huyên gia kêu gọi các quan chức quản lý nước khởi xướng chiến lược quản lý hạn hán cho hàng triệu người phụ thuộc vào tuyết tan trên dãy Himalaya. 
     Báo cáo của Trung tâm Phát triển núi tích hợp quốc tế có trụ sở tại Nepal cho biết: "Lượng tuyết rơi dưới mức bình thường ở dãy Himalaya và dãy núi Hindu Kush có thể đe dọa đến an ninh nguồn nước của hàng trăm triệu người dân trong khu vực".
     Báo cáo cập nhật về lượng tuyết hàng năm của trung tâm này đã kêu gọi các quan chức quản lý nước khởi xướng các chiến lược quản lý hạn hán và cung cấp nước khẩn cấp trước.
     "Tuyết tan là nguồn cung cấp khoảng 23% tổng lưu lượng nước của 12 lưu vực sông lớn bắt nguồn từ vùng núi cao Hindu Kush Himalaya. Tuy nhiên, sự đóng góp của nó vào việc cung cấp nước khác nhau tùy theo từng sông – chiếm 74% lưu lượng sông tới Amu Darya, 77% dòng chảy của sông Helmand, và 40% dòng chảy của sông Ấn" – báo cáo cho biết.
     Tuy nhiên, lượng tuyết năm nay thấp hơn 1/5 so với mức bình thường. Sông Helmand của Afghanistan có mức giảm mạnh nhất, ở mức 31,8% dưới mức bình thường, tiếp theo là lưu vực sông Ấn ở mức 23,3% dưới mức bình thường, mức thấp nhất trong 22 năm.

Dãy Himalaya đang ghi nhận lượng tuyết thấp hơn bình thường 

     Ông Sher Muhammad, chuyên gia của Trung tâm Phát triển núi tích hợp quốc tế cho biết: "Chúng tôi đã chứng kiến ​​xu hướng giảm lượng tuyết trên dãy Hindu Kush Himalaya, với 13 trong số 22 năm qua ghi nhận lượng tuyết theo mùa thấp hơn bình thường". Ông nói thêm: "Đây là lời cảnh tỉnh đối với các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng ở hạ lưu. Lượng tuyết tích tụ thấp hơn và mức độ tuyết dao động bất thường gây ra nguy cơ thiếu nước rất nghiêm trọng, đặc biệt là trong năm nay".
     Miriam Jackson, một chuyên gia khác, cho biết các cơ quan liên quan nên thực hiện các biện pháp chủ động để giải quyết tình huống hạn hán có thể xảy ra, đặc biệt là vào đầu mùa hè, cập nhật các kế hoạch nhằm ứng phó với căng thẳng về nước và thông báo cho cộng đồng về những rủi ro. Bà nói: "Các nước G20 cần cắt giảm lượng khí thải nhanh hơn bao giờ hết để ngăn chặn những nguy cơ gây ra thảm họa cho các trung tâm dân cư lớn và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào tuyết tan trên núi".