Để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023 kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Bộ TN&MT vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước 2023.
Tổ chức thi hành Luật đồng bộ, thống nhất và hiệu quả
Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 2/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức rà soát các văn bản có liên quan đến tài nguyên nước để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ; tuyên truyền, tập huấn phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Tài nguyên nước, đặc biệt là các quy định mới nhằm sớm đưa các quy định của pháp luật tài nguyên nước vào cuộc sống, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên nước.
Đồng thời, xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu là phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước. Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, đảm bảo chất lượng và tiến độ hoàn thành công việc.
Tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật và các văn bản hướng dẫn
Theo Kế hoạch, Bộ TN&MT yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ thực hiện xây dựng tài liệu tuyên truyền về các quy định của Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; xây dựng tài liệu hỏi – đáp về pháp luật tài nguyên nước; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tại các vùng, theo chuyên đề; Tuyên truyền, cập nhật thông tin, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước trên trang thông tin điện tử của Cục.
Trung tâm Truyền thông TN&MT chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng Đề án tổng thể tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn pháp luật tài nguyên nước trình Bộ trưởng Bộ TN&MT xem xét, quyết định; Xây dựng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện phục vụ tuyên truyền, truyền thông phát trên các kênh truyền hình, đài phát thanh, cơ quan truyền thông, báo chí, trang tin điện tử các quy định của Luật tài nguyên nước;
Chương trình tọa đàm, giải đáp pháp luật về tài nguyên nước trên các phương tiện truyền thông, cơ quan báo chí; xây dựng các phóng sự về mô hình tiêu biểu đưa các quy định của pháp luật tài nguyên nước vào cuộc sống; Tổ chức hội nghị tuyên truyền về các quy định của Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Báo TN&MT, Tạp chí TN&MT xây dựng tin, bài và thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật trên các báo, tạp chí điện tử và báo, tạp chí in; mở chuyên trang, chuyên mục, bản tin chuyên đề để giới thiệu về những nội dung quan trọng của Luật Tài nguyên nước và tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước tại địa phương.
Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp nhận các câu hỏi liên quan đến việc thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân thông qua “Hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân” trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ TN&MT, gửi các đơn vị chuyên môn theo chức năng trả lời.
Các Trường Đại học TN&MT Hà Nội, Trường Đại học TN&MT Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT tổ chức rà soát, cập nhật, xây dựng, phát hành các chương trình, giáo trình, tài liệu theo quy định của tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên nước; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực tài nguyên nước.
Về thời gian thực hiện, đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực và hình thức đa dạng, phong phú phù hợp đối với từng đối tượng. Trong năm 2024, các đơn vị thực hiện tuyên truyền, tập huấn phổ biến rộng rãi Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật để bảo đảm kịp thời đưa Luật vào cuộc sống ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.
Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật
Bộ TN&MT phân công các đơn vị rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật về tài nguyên nước; quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về tài nguyên nước để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước; Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật Tài nguyên nước.
Cụ thể, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế tổ chức rà soát, pháp điển, hệ thống hóa, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước; trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước;
Rà soát các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ TN&MT trong lĩnh vực tài nguyên nước, kiến nghị hoặc trình Bộ trưởng sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi hỏ hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Cùng với đó, Cục Quản lý tài nguyên nước tổng hợp, theo dõi, các Bộ, ngành, địa phương trong việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tài nguyên nước thuộc thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước.
Bộ TN&MT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong Bộ phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi, chức năng quản lý có liên quan đến Luật Tài nguyên nước; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Tài nguyên nước; gửi kết quả rà soát về Cục Quản lý tài nguyên nước trong tháng quý IV năm 2024 để tổng hợp.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước
Bộ TN&MT giao Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước trình Bộ xem xét, trình Chính phủ trong tháng 12 năm 2024.
Cùng với đó, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ TN&MT trong tháng 11/2024 các Thông tư: Quy định định mức kinh tế – kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước và Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp giếng không sử dụng.
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ TN&MT Thông tư quy định định mức kinh tế – kỹ thuật quan trắc và dự báo, cảnh báo tài nguyên nước trong tháng 10/2024 và Thông tư quy định định mức kinh tế – kỹ thuật điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước trong tháng 11/2024.
Bộ TN&MT cũng giao các đơn vị thuộc lĩnh vực tài nguyên nước và các đơn vị có liên quan rà soát, kiến nghị việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về tài nguyên nước.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật
Đối với việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật, Bộ TN&MT giao Cục Quản lý lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược tài nguyên nước quốc gia trình Bộ trưởng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2025; Xây dựng, trình Bộ trưởng công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.
Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng, vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước đối với các nguồn nước mặt liên tỉnh, nguồn nước mặt liên quốc gia, nguồn nước dưới đất theo quy định tại Điều 51 của Luật Tài nguyên nước và Mục 2 Chương VI của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Xây dựng nhiệm vụ thực hiện điều tra, lập danh mục nguồn nước dưới đất trình Bộ trưởng phê duyệt;
Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi trên các lưu vực sông trình Bộ trưởng phê duyệt; Rà soát danh mục các đập, hồ chứa phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa và tổ chức xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, trình Bộ trưởng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT giao Cục Quản lý tài nguyên nước triển khai thực hiện việc kiểm kê tài nguyên nước theo quy định; Điều tra, lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp đối với hồ, ao, đầm, phá thuộc nguồn nước mặt liên tỉnh trình Bộ trưởng phê duyệt; Đôn đốc và tổ chức thẩm định, trình Bộ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước đối với các công trình thủy lợi đã khai thác và xây dựng trước ngày 1/1/2013 mà chưa có giấy phép trước ngày Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực thi hành; Thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ TN&MT.
Bộ TN&MT cũng giao Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước và Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu, phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng kịch bản nguồn nước.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu, phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi trên các lưu vực sông trình Bộ trưởng phê duyệt; Thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ TN&MT.
Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm trình Bộ trưởng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện các nhiệm vụ phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.