Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngành TN&MT

 31-12-2023

     Sáng 31/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

small-thu-tuong-tham-du.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngành TN&MT

     Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Về phía các cơ quan Trung ương có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phạm Tất Thắng – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Lê Quang Huy – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Lương Quốc Đoàn – Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Minh Vũ – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

small-lanh-dao-dia-phuong.jpg
Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương tham dự Hội nghị

     Về phía ngành TN&MT có Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh; các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; lãnh đạo Sở TN&MT 63 tỉnh, thành phố.

small-lanh-dao-bo-nganh.jpg
Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương tham dự Hội nghị

     Khơi thông các điểm nghẽn nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên
    Báo cáo của Bộ TN&MT chỉ rõ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 – 2025. Bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức mới xuất hiện gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, rất khác biệt so với thời điểm xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.
     Trước tình hình đó, bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngay từ đầu năm, Bộ TN&MT đã nỗ lực tập trung triển khai thực hiện tốt nội dung các Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Trên cơ sở xác định rõ những nội dung công việc, thời gian hoàn thành cụ thể, Bộ TN&MT đã phân giao trách nhiệm cho từng đồng chí Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trên tinh thần nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.
     Toàn Ngành đặt trọng tâm vào đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; tổ chức lập và triển khai thực hiện các quy hoạch; tiếp tục đề xuất các giải pháp, khơi thông các điểm nghẽn nhằm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, phục vụ trực tiếp cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

small-thu-tuong-chu-tri1.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngành TN&MT

     Trong năm 2023, nhiều kết quả quan trọng của ngành TN&MT đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và Nhân dân đánh giá cao. Nổi bật là tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống; chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, sản xuất, tài nguyên nước, thông tin, số liệu khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược của đất nước.
     Hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ nét qua sự chuyển biến tích cực về thực hiện trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường.
     Chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong Ngành TN&MT được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022, Bộ TN&MT xếp hạng 3/17 Bộ, cơ quan ngang Bộ (có dịch vụ công).
     Cùng với đó, Bộ đã chủ động dự báo sớm, đủ độ chi tiết, tin cậy cao trong cảnh báo mưa lớn, bão, lũ trên các sông và các hình thái thời tiết cực đoan. Chủ động triển khai các chiến lược, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư ngoài nước cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

small-bt-phat-bieu-can-canh.jpg
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

     Nhân dịp này, phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ và toàn ngành TN&MT, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các Ban, Bộ, ngành, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời, cảm ơn những nỗ lực phấn đấu của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở mỗi vị trí công tác đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của ngành và sự phát triển chung của đất nước.
     “Đoàn kết – kỷ cương, chủ động – linh hoạt, kịp thời – hiệu quả, phát triển – bứt phá”
     Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Biến đổi khí hậu, thiên tai, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang trở thành tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu. Các quốc gia ngày càng quan tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm phát thải. Các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, phát thải sẽ là rào cản đối với hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và thâm nhập vào các thị trường các nước phát triển, nhưng đây cũng là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình phát triển theo xu thế của thời đại với hỗ trợ về công nghệ, nguồn vốn của các nước phát triển.
     Trong bối cảnh đó Ngành TN&MT tiếp tục tiếp tục đặt trọng tâm năm 2024 là năm “Đoàn kết – kỷ cương, chủ động – linh hoạt, kịp thời – hiệu quả, phát triển – bứt phá” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.
     Ngành TN&MT quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các chính sách. Bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách phát sinh trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

     Đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
     Về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, toàn Ngành TN&MT phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Trong đó, tập trung trình Quốc hội, Chính phủ dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp gần nhất; hoàn thành, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm đồng bộ, thống nhất và kịp thời có hiệu lực đồng thời với Luật. Phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành; vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản TN&MT.
     Cùng với đó, giải quyết căn bản tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên; chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 2-3%.
     Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Chuẩn hóa các quy trình điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục thiết yếu về đăng ký cấp giấy chứng nhận khi thực hiện các quyền; Cải thiện các chỉ số thành phần môi trường: trên 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp; 100% hồ chứa thủy điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến; hơn 600 hồ chứa thủy điện, thủy lợi được xác định và công bố dòng chảy tối thiểu sau đập.
     65% số trạm quan trắc khí tượng thủy văn được tự động hóa để từng bước hình thành mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại và tự động hoàn toàn, kết nối, chia sẻ số liệu với các nước trong khu vực, trên thế giới; 100% thiên tai bão, lũ, được giám sát, dự báo, cảnh báo kịp thời, đủ độ tin cậy; hình thành mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn kết nối trong lưu vực sông Mê Công; tăng cường năng lực giám sát môi trường, khí tượng thủy văn; 39% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000; 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000.
     Sau phát biểu của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Hội nghị nghe phát biểu của đại diện Lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương. Đặc biệt, Hội nghị sẽ nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính định hướng cho ngành TN&MT trong thời gian tới.