Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên nước và sự phát triển bền vững của lưu vực Mê Công

Văn phòng Thường trực Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam
07-04-2023
Chia sẻ In bài viết

Ngày 5/4/2023, tại Viêng Chăn, Lào, các Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng, Ủy viên Ủy ban Liên hợp, đại diện Đối tác phát triển, Đối tác đối thoại, các tổ chức quốc tế và khu vực và Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ tư. Hội nghị Cấp cao thể hiện sự khẳng định cam kết chính trị cao nhất của Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế (Ủy hội) đối với việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995, tiếp tục khẳng định vai trò của Ủy hội là một tổ chức lưu vực sông quốc tế duy nhất trong khu vực, cam kết thúc đẩy hợp tác để giải quyết các thách thức trong lưu vực ngày một gia tăng và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công.
 

05042023-img7854-ttcp-phat-bieu-tai-hn-16806737505821439521233.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất về định hướng hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh các thách thức đối với Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam do áp lực của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng trên lưu vực. Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên phải đối mặt với các đợt hạn hán nghiêm trọng và xâm nhập mặn, sự thay đổi về chế độ lũ, suy giảm lượng phù sa về đồng bằng, gia tăng sự xói lở bờ sông, bờ biển. Với vị thế là quốc gia cuối nguồn của lưu vực sông Mê Công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn đề cao việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995 và luôn là một thành viên tích cực để đẩy mạnh các hoạt động hợp tác của Ủy hội, đưa hợp tác đi vào thực chất, giải quyết các thách thức trên lưu vực đem lại lợi ích cho các quốc gia ven sông và người dân sống trong lưu vực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định các quốc gia thành viên Ủy hội cần nghiêm túc tuân thủ và thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995 và bộ thủ tục giám sát sử dụng nước của Ủy hội, mọi chính sách của Ủy hội cần lấy con người làm trung tâm, do vậy cần sớm xây dựng và triển khai những cơ chế hợp tác hiệu quả hơn nữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân sinh sống trên lưu vực sông khi có tình huống xấu như thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
 

05052023-tt-phat-bieu-4-z4239741642538-9b2e177ec288e0b176dc96c4cfcf0c22.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò không thể thiếu của Ủy hội sông Mekong quốc tế, đề cao những thành tựu quan trọng đã đạt được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
05042023-tt-phat-bieu-3-z4239741652174-134c90beca0cbc4a3be9e11cbdd137f9.jpg
Toàn cảnh Hội nghị


Thủ tướng cũng nhấn mạnh Ủy hội cần phải phát huy vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác, nhất là phải trở thành trung tâm tri thức hàng đầu của vùng nhằm cung cấp các thông tin, số liệu, kiến thức và dịch vụ tư vấn.

Thủ tướng đề nghị Ủy hội cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác đối thoại là Trung Quốc và Mi-an-ma xây dựng một hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước thời gian thực trên lưu vực để kịp thời thông tin cho các quốc gia ven sông, giúp các quốc gia chủ động ứng phó với các biến động bất thường, các vấn đề về chất lượng nước, lũ lụt và hạn hán cũng như các trường hợp khẩn cấp liên quan đến nước. Các hoạt động của Ủy hội cũng cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với các hoạt động thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, cũng như Thập kỷ hành động ”Nước vì sự phát triển bền vững” 2018 – 2028 cũng như các cam kết tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Nước tổ chức tháng 3 vừa qua.
 

05042023-tt-thanh-tham-du-hn-3-z4239741632130-a8a524bb33a34c830058f993f770e3cf.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành (ngồi hàng đầu) tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ tư


Tại Hội nghị, lãnh đạo các quốc gia thành viên Ủy hội tiếp tục cam kết tăng cường và đổi mới hợp tác trong Ủy hội nhằm biến thách thức thành cơ hội, phát triển và quản lý lưu vực một cách tối ưu, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người dân sống trong lưu vực, đồng thời gìn giữ và bảo tồn các giá trị quý báu của tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của dòng sông Mê Công, góp phần đảm bảo an ninh tài nguyên nước và sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mê Công. Các đối tác đối thoại Trung Quốc và Mi-an-ma cũng cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Ủy hội trong chia sẻ thông tin số liệu, vận hành các công trình khai thác sử dụng nước hiệu quả để giải quyết các nhu cầu của người dân trên toàn lưu vực sông Mê Công và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.
 

05042023-cac-truong-doan-1-z4239741632825-6d171b1843bbe5fe6d9d9ee9991afff9.jpg
Trưởng các đoàn quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế chụp ảnh với trưởng đoàn đối tác đối thoại  
Trung Quốc và Mi-an-ma


Đại diện của các Đối tác phát triển cũng nhấn mạnh giá trị của tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên của sông Mê Công và đề nghị cần tăng cường hợp tác trong sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông, đặc biệt là hợp tác xuyên biên giới đồng thời đánh giá cao trọng tâm thảo luận của Ủy hội về đổi mới trong hợp tác, trong đó cần khuyến khích sự tham gia toàn diện của mọi bên liên quan và cộng đồng và mở rộng hợp tác với các đối tác khác. Các Đối tác phát triển đề nghị Ủy hội cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp năng lượng tái tạo để đa dạng hóa các nguồn năng lượng, nhằm góp phần đạt được an ninh tài nguyên nước và năng lượng cho lưu vực, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các Đối tác phát triển cam kết tiếp tục hỗ trợ cho hợp tác Mê Công thông qua các cơ chế hợp tác với Ủy hội.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Viêng Chăn, trong đó khẳng định cam kết chính trị cao nhất của Chính phủ các quốc gia thành viên, và thống nhất các hoạt động hợp tác trọng tâm của Ủy hội. Các định hướng hoạt động ưu tiên của Ủy hội trong thời gian tới, gồm đổi mới phương thức hợp tác, công tác quản lý, điều hành các hoạt động của Ủy hội, xây dựng và thực hiện hiệu quả một quy hoạch tổng thể thống nhất toàn lưu vực, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số trong cảnh báo, dự báo, giám sát tài nguyên nước sông Mê Công và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ra quyết định; xây dựng Ủy hội trở thành một trung tâm tri thức vùng, cung cấp kịp thời các thông tin, số liệu và kiến thức về lưu vực, các dịch vụ tư vấn cho các bên liên quan và cho các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác; và tiếp tục tăng cường năng lực để Ủy hội, đổi mới cơ chế tài chính để có thể tự chủ trong thực hiện các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông vào năm 2030.

“Các quốc gia Ủy hội cần tiếp tục phát huy Tinh thần hợp tác Mê Công, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả các quốc gia và người dân sinh sống hợp pháp trong lưu vực; đảm bảo hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau; tất cả vì mục tiêu chung là phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, không để ai bị bỏ lại phía sau”, đó cũng chính là thông điệp mà Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Ủy hội trước khi kết thúc bài phát biểu của mình.
 

Bài viết liên quan